Đó là những hình ảnh nhiều góc cạnh của cuộc sống người lính cụ Hồ được ghi chép lại bằng chính cây bút chì, bằng cái nhìn, tấm lòng của người lính, được tác giả và gia đình lưu giữ hơn 40 năm qua.
"Nợ các anh tôi không thể trả"
Phạm Ngọc Liệu bước vào chiến trường với tâm thế của một người lính chứ không phải một họa sĩ. Nhập ngũ năm 1965, sau 4 năm cầm súng (năm 1969) ông được Bộ tư lệnh Thông tin cử đi học tại Trường đại học mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
Năm 1971 - 1972 giữa lúc chiến tranh diễn ra khốc liệt nhất ở cả hai miền của tổ quốc, bất cứ người con nào của dân tộc Việt Nam cũng muốn được trực tiếp "vứt bút nghiên ra chiến trường" để bảo vệ độc lập cho đất nước, thống nhất hai miền Nam- Bắc ruột thịt, Phạm Ngọc Liệu cũng không ngoại lệ.
Ông tâm sự: "Lúc đó, họa sĩ không trực tiếp thâm nhập cuộc chiến". Chiến trường mà ông và nhiều sinh viên mỹ thuật ngày ấy được tham gia không chỉ với tư cách một người lính mà còn là một họa sĩ tương lai là chiến trường Vĩnh Linh, Quảng Trị.
Trong 2 đợt đi thực tế (1971-1972) ông đã sáng tác hơn 200 bức ký họa chiến trường, đặc biệt là những bức ký bên thành Quảng Trị, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn.
Mỗi bức ký họa ghi lại một thời khắc mà người lính - chàng sinh viên Mỹ thuật Phạm Ngọc Liệu được chứng kiến: Những o du kích, những anh bộ đội cụ Hồ chiến đấu bảo vệ tổ quốc, cảnh tổ đài 2WW đang truyền thông tin, cảnh trao đổi tình hình chiến sự trong căn hầm chữ A… hay chỉ là cảnh bình dị của những người dân "Ngóng thuyền từ đảo Cồn cỏ về", "Em gái Chương Mỹ", "Má năm gió"…
Trong các bức ký ông thể hiện, hình ảnh người lính luôn biểu đạt với nét tự nhiên, dung dị. Các chiến sĩ luôn mong muốn, người họa sĩ có thể gửi đến những người thân nơi hậu phương hình ảnh mình - hình ảnh người lính cụ Hồ.
Trong suốt quá trình "làm mẫu", họ vẫn khoác trên vai cây súng, để sẵn sàng đương đầu với quân thù. Có những bức ký họa được tác giả vô tình ghi lại nên đâu đó xuất hiện hình ảnh những chiến sĩ còn nguyên mảnh bông gạc trên khuôn mặt trẻ trung mà kiên cường…
Thiếu tướng Lê Mã Lương nói: "Mỗi tác phẩm ấy là một kỉ niệm, một ký ức chiến trường, một khoảnh khắc đã qua đi và không bao giờ gặp lại"
Bức kí họa "Trao đổi tình hình chiến đấu ở trận đại chốt trên bờ sông Thạch Hãn" được vẽ đầu năm 1973, sau mấy ngày ngừng bắn để cùng ăn Tết Nguyên đán. Tác giả đi vẽ ở một trận đại chốt trên bờ sông Thạch Hãn.
Trao đổi tình hình chiến đấu ở trận địa chốt trên sông Thạch Hãn
Cuộc giao ban trao đổi tình hình nhiệm vụ của một tiểu đội trong phần nổi của căn hầm chữ A. Người ngồi trên bao cát, người ngồi trên cuộn dây bọc, người khoác súng chếch, người lại kẹp súng ở hai đùi, người đứng dựng khẩu B40 như cầm thanh long đao… - một bố cục tự nhiên, rất sinh động mà chặt chẽ.
Tác giả kể: "Nhưng khi vừa rời khỏi căn hầm đó vài phút, một loạt pháo từ sân ba Ái Tử dội xuống phía trận địa của ta. Những quả đạn bội ước mở đầu năm mới đã rót xuống chính xác những căn hầm, trong đó có căn hầm tôi vừa vẽ cuộc giao ban.
Vẫn biết, chiến tranh là phải khốc liệt, nhưng hình ảnh những người lính với khuôn mặt trẻ trung, lại thông minh và gan dạ vừa được ghi lại trên trang vẽ chưa kịp khô mực đã vĩnh viễn ra đi đã ám ảnh tôi suốt cả cuộc đời".
Bởi thế, bức ký họa này đã được họa sĩ phóng to lên với lời tri ân: "Những con người này vĩnh viễn tôi không còn cơ may gặp lại, nợ các anh tôi không thể trả. Thành tâm kính cẩn".
Họa sĩ ân hận vì "Sau những giây phút bàng hoàng hồi tưởng lại từng khuôn mặt mới chợt nhớ ra đã không kịp ghi lại tên từng người trong tranh, vì tôi không có được thói quen rất đáng trân trọng của các nhà báo".
Nợ ấy không chỉ của riêng họa sĩ mà là món nợ của toàn dân tộc với lớp thế hệ đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.
Trong số hơn 200 bức ký họa trong chiến tranh của mình, tác giả đã nhiều lần thử vẽ lại với mong muốn làm cho tác phẩm đẹp hơn, sử dụng màu vẽ cho bức tranh có hồn hơn nhưng các tác phẩm vẽ lại không thành công. Nó thiếu đi một phần nào đó của hiện thực.
Có lẽ, chỉ trong khoảnh khắc đó, không gian đó thì hiện thực khắc họa trên trang giấy mới đạt được cái hồn thực sự của nó. Như nhà lý luận phê bình Nguyễn Hoàng Đức nói: Hiện thực luôn là hiện thực, nó cần gì bản sao để trở thành hiện thực!"
Những kí ức đẹp mãi
Những bức họa thời chiến của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu.
Chiến tranh đã qua đi, nhưng những khoảnh khắc đáng nhớ của nó vẫn còn được lưu lại trong các tác phẩm của Phạm Ngọc Liệu và những họa sĩ cùng thời, nó là nguồn tư liệu quý giá để tác giả có thể sáng tác nên những tác phẩm làm lay động lòng người.
Bất cứ ai từng bước qua cuộc chiến không cân sức ấy cũng đều cảm nhận được sức mạnh toàn dân tộc ta vĩ đại đến chừng nào. Và động lực để làm nên sức mạnh ấy không gì ngoài những bài ca "đi cùng năm tháng", những câu thơ đầy hào khí dân tộc và… những bức tranh tái hiện lại những giây phút lạc quan nhất của người lính, ngay cả khi họ cận kề với cái chết.
Họa sĩ tâm sự: "Những người lính trong những bức ký họa của tôi: không phải tôi vẽ họ bằng tinh thần lạc quan mà chính sự lạc quan, trẻ trung yêu đời của những con người ấy đã truyền sang tôi, tạo cảm hứng cho tôi kí họa."
Kí ức còn xót lại trong tâm khảm mỗi người lính chiến trường năm xưa như được mời gọi trở về khi được xem lại những bức ký họa của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu, nhắc nhở họ phải sống có trách nhiệm hơn với xã hội, với những gì cha ông, anh em, đồng đội đã hy sinh.
Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu (sinh năm 1942, hiện là Phó chủ nhiệm CLB vẽ về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng thuộc hội mỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức triển lãm "Ký họa thời chiến" tại nhà S4, 28A, Điện Biên Phủ, Hà Nội. Đến xem tranh không chỉ có những cựu chiến binh, những du khách nước ngoài mà còn có rất nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên.
Dòng cảm xúc ghi lại sau khi xem triển lãm làm cho tác giả ấn tượng nhất, xúc động nhất là của những dòng cảm tưởng của các bạn trẻ. "Kí ức của chúng tôi ngày hôm qua sẽ là động lực, hành trang, động lực cho các bạn trẻ ngày hôm nay xây dựng đất nước trong thời đại mới", họa sĩ nói.
Theo Vietnamnet