Ông Lê Văn Tụng nhớ lại: Tôi bị thương ở chiến trường Lào và ra quân vào tháng 10-1972, trở về quê hương với mức thương tật 2/4, mọi dự định, hoài bão của tôi dường như đều phải gác lại. Mặc dù được chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ song việc phát triển kinh tế của gia đình tôi thời điểm đó gặp rất nhiều khó khăn. Trên đồng đất quê hương, để có thể làm giàu, tôi phải bắt đầu học hỏi, tích lũy từ những việc nhỏ nhất và phải mất thời gian khá dài tôi mới có thể định hình rõ ràng mình cần phải làm gì, làm như thế nào để kinh tế gia đình vơi bớt khó khăn.
Được biết, ban đầu ông vừa trồng các loại cây ngắn ngày, vừa kết hợp nuôi thả cá theo mô hình VAC, sau đó nhờ sự động viên của người thân, bạn bè, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất, đào ao nuôi cá, phạt từng vạt cỏ, biến khu đất hoang hơn 36 ha thành trang trại tổng hợp. Ông kể, khu trang trại của gia đình tôi được hình thành từ năm 1993, trong đó một phần là đất 313 của gia đình được quy đổi và 7 mẫu thùng hồ liền kề được UBND Thị trấn Yên Ninh cho đấu thầu. Phải mất hơn 10 năm, từ năm 1993 đến năm 2005 gia đình tôi làm thêm nghề nung đốt gạch, cải tạo thùng hồ để chuyển hẳn sang làm trang trại VAC. Từ năm 2006 đến nay, gia đình vừa hoàn thiện quy hoạch cho các khu và phát triển mạnh việc chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, san lấp một khu làm bến bãi kinh doanh cát các loại. Số kinh phí đầu tư xây dựng trang trại đã lên tới hàng tỷ đồng. Có được sự đầu tư đó, ngoài việc dồn hết số tiền đã tích cóp được, tôi phải vay ngân hàng, vay mượn anh em, bạn bè và đầu tư theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, vốn có đến đâu đầu tư đến đó. Đến nay, toàn bộ các hệ thống ao, hồ của trang trại đều được xây dựng kiên cố bằng gạch đỏ với vữa xi măng để chống sạt lở và phòng, chống bão lụt, xung quanh trang trại có hàng rào thép gai để bảo vệ.
Dẫn chúng tôi đi tham quan, ông Lê Văn Tụng cho biết, điểm nhấn của trang trại chính là 5 khu ao liền kề ở phía đông gồm có ao thả cá ươm, thả cá giống, ao nuôi ba ba, ao to và khu hồ 7 mẫu ở phía tây thả cá thịt các loại. ở giữa có đường chia 2 khu làm chuồng trại nuôi lợn (lợn thịt và lợn nái) và trồng cây lưu niên (vải, xoài, nhãn) và cây lấy gỗ kết hợp chăn nuôi gia cầm, thủy cầm. Do làm tốt việc chăm sóc, vệ sinh ao hồ, chuồng trại, phòng bệnh kịp thời nên trong những năm gần đây trang trại của gia đình ông Tụng đã hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra. Cũng chính vì vậy mà hiệu quả sản xuất được duy trì ổn định, trung bình thu từ các loại trong năm là cá thịt 12 tấn, lợn hơi 5 tấn, ba ba 300kg, ngan, gà, vịt các loại và trồng màu 3 vụ thu khoảng 120 triệu đồng,… Tổng thu ước đạt trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí các loại, gia đình ông Tụng một năm thu về từ 700 triệu đồng trở lên.
Chưa dừng lại ở những gì đã đạt được, người thương binh này vẫn đang tiếp tục nghiên cứu tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế để nâng cao hơn nữa thu nhập của gia đình. Ông dự định sau này sẽ biến nơi đây thành một khu du lịch sinh thái, điểm đến của người dân trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, ông Tụng còn cho biết thêm: Từ những gì tôi đã trải qua, đã làm được, tôi rất muốn tư vấn rộng rãi cho nhiều người cùng làm, nhất là những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, những người còn thiếu kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi...
Đào Duy