Tôi tới tiệm giầy của ông Vũ Quyết Chiến vào một chiều thu, nắng vàng hanh hao. Gọi là tiệm cho oai, chứ thực chất nơi ông Chiến làm chỉ là một chỗ ngồi gọn gàng trên vỉa hè phía trước cổng chợ Rồng. ở đó, có 1 chiếc ô lớn để ông che mưa, che nắng và một thùng gỗ đã rất cũ để đựng đồ nghề, trên chiếc thùng gỗ còn ghi cả số điện thoại của ông. Khi chúng tôi tới, ông Chiến đang tỉ mẩn lau sạch rồi đánh bóng lại một đôi giày cũ cho vị khách nữ khó tính. Cạnh đó là vài ba đôi giày cả nam, cả nữ đang chờ được bàn tay khéo léo của ông Chiến tân trang.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề, những buồn, vui ấy đủ để trở thành một ký ức thật đẹp trong cuộc đời ông. Bởi vậy, dù bây giờ không phải nặng vấn đề cơm, áo song ngày nào ông Chiến cũng dọn hàng ra đây. Cứ 7 giờ sáng là ông dọn hàng và ông trở về nhà khi đồng hồ điểm 6 giờ chiều. Nhìn mái tóc đã bạc trắng, tôi có cảm giác ông già hơn nhiều so với cái tuổi 50. Chỉ vài phút ngồi nghe ông kể chuyện đời, chuyện nghề, tận mắt nhìn ông tỉ mẩn, chau truốt từng đường kim, mũi chỉ và cứ xem cái cách ông trả hàng cho khách, tôi biết mình đã chọn đúng người để dán đế cho đôi giày mới mua của mình.
Vừa thoăn thoắt tay kim, ông vừa kể cho tôi nghe cái duyên đưa ông đến với cái nghiệp "giày, dép" này. Nhà ông có đông anh em. Tuy vậy, ngày xưa cha mẹ ông cũng tạo điều kiện cho con cái ăn học đến nơi, đến chốn. Song, ông Chiến không đeo đuổi sự nghiệp học hành mà đi tìm thầy để học nghề đóng giày. 20 tuổi, một mình ông "khăn gói quả mướp" lên Hà Nội, tìm đến một cơ sở đóng giày có tiếng bậc nhất Hà thành để xin học. Học đóng giày, ông Chiến học nhanh lắm. Ngoài kỹ năng thầy dạy, ông Chiến còn say mê, tìm tòi học hỏi qua đồng môn để tự nâng cao tay nghề. Cứ như thế, với lòng kiên trì và sự sáng tạo, hơn 5 năm sau ông Chiến đã mở được cửa hàng đóng giày của riêng mình với tay nghề tương đối vững chắc. Ông Chiến bảo, đóng giày có nhiều công đoạn như khâu làm khuôn, khâu làm mũi, khâu thiết kế kiểu dáng, khâu làm đế gót… người thợ đóng giày phải am tường tất cả công đoạn đó. Có như vậy, mới tạo nên thành phẩm cuối cùng thật hoàn hảo.
"Thời ấy, thợ đóng giày thì đông lắm, ngồi kín cả cổng chợ Rồng. Nhưng lượng khách đóng giày thì ít. Chỉ những ai có thu nhập khá thì mới sắm được đôi giày. Bởi vậy, người thợ phải thực sự có tay nghề, tâm huyết với nghề thì mới có khách hàng"- ông Chiến nói vậy. Khách đến đóng giày không phải ai cũng có một đôi bàn chân hoàn hảo, có những người bị khiếm khuyết bàn chân do bẩm sinh hoặc tai nạn cũng tìm đến tiệm giày của ông Chiến. Họ tìm đến hiệu đóng giày không đơn thuần chỉ để được sở hữu một đôi giày mà hơn cả đó còn là tìm lại cho mình sự tự tin. Để đóng giày cho những trường hợp này, người thợ phải bỏ công sức mới có được đôi giày như ý, phù hợp với khiếm khuyết của bàn chân khách, vừa mang tính thẩm mỹ cao. Đóng giày cho những trường hợp này cực nhọc là thế, nhưng tiền công thì cũng chỉ như người bình thường, thậm chí ông còn bớt tiền công cho những trường hợp khách có hoàn cảnh khó khăn. Bởi vậy, chẳng nhớ nổi là đã đóng được bao nhiêu đôi giày, song trong số những người khách được ông Chiến đóng giày thì còn nhiều người nhớ tới ông lắm.
Nhưng từ chục năm trở lại đây, khi thị trường tràn ngập các loại giày dép với đủ mọi kiểu dáng, mẫu mã đẹp thì người tiêu dùng chọn cách mua giày thay vì phải đóng giày như trước đây. Bởi thế, ông Chiến chuyển sang làm thợ sửa giày dép. ở chỗ làm, ông Chiến chủ yếu nhận hàng của khách rồi xử lý những vấn đề đơn giản như khâu giày, dép, đánh bóng giày, còn những việc cầu kỳ hơn như dán đế giày, thay gót thì thường mang về nhà, tranh thủ buổi trưa hoặc tối để làm, kịp trả cho khách vào ngày hôm sau.
Sau một hồi được ông Chiến tân trang, đôi giày của tôi sáng bóng như mới, đi thử vài bước thấy êm ru, gõ mạnh gót giày cũng không nghe tiếng "cộp cộp" vô duyên như trước. Đúng lúc đó, một khách hàng trung niên bước vào với đôi giày còn mới tinh trên tay. Chị tiếc rẻ phân trần, đôi giày này chị vừa mới mua được vài ngày, được chủ cửa hàng giày giới thiệu là giày "xịn" lắm thế mà chưa kịp đi thì giày đã … há mõm. Ông Chiến từ tốn nói, giày mới hay giày tốt cũng là sản phẩm sản xuất hàng loạt trên dây chuyền công nghiệp nên cũng không thể đảm bảo sự vững chắc khi sử dụng trong môi trường nóng. Bởi vậy, muốn đôi giày là người bạn đồng hành tin cậy, không đưa mình vào tình huống "dở khóc dở cười" nơi công cộng như: bong mõm, gẫy đế, phát tiếng kêu khó nghe… thì nên nhờ thợ giày thủ công gia cố lại.
Vừa làm, ông Chiến vừa say sưa nói về công việc của mình, về việc phải làm sao để mũi kim khâu giày cho ngọt, những miếng lót để làm sao cho bền, êm, vừa vặn với bàn chân khách và hướng dẫn cho khách hàng đâu là đôi giày tốt hay cách giữ gìn nó ra sao để dùng được bền lâu. Ông Chiến tâm sự, để mưu sinh thì việc kiếm tiền là quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là phải giữ chữ tín. Làm sao để khách tới sửa một lần là tin tưởng, có thể đến tiếp trong những lần sau và giới thiệu thêm cho những khách mới. "Không gì vui hơn khi tay nghề của mình được khách công nhận bằng việc giới thiệu cho mình những khách hàng mới. Dù ngồi đây, hay dịch chuyển vị trí ra chỗ khác thì khách vẫn tìm đến hiệu của mình. Tôi nghĩ, chỉ cần mình làm việc tỉ mỉ, cẩn trọng, làm đúng theo yêu cầu của khách, thậm chí là tư vấn để khách lựa chọn cách sửa phù hợp thì khách cũng sẽ ưng ý"- ông Chiến nói.
Nguyễn Hùng