Nguyễn Hữu Việt sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề chế tác và điêu khắc đá, anh được thừa hưởng đôi bàn tay tài hoa khéo léo, và đôi mắt tinh tường của một nghệ nhân làm đá. Từ nhỏ được sống và tiếp xúc với môi trường có nhiều người làm nghề chạm khắc đá, niềm đam mê với đá trong anh cứ thế lớn lên theo ngày tháng. Anh tâm sự "ngày nhỏ tôi hay đến xem bố và các bác thợ trong xưởng làm việc, nhìn thấy từng khối đá thô ráp, xù xì qua bàn tay khéo léo của người thợ biến thành những tác phẩm có đường nét tinh xảo, tôi đã rất thích thú".
Ngoài giờ học, những lúc rảnh anh lại xuống xưởng học chạm khắc đá với bố. Anh đã được ông dạy dỗ từng bước kỹ thuật ban đầu, rồi được ông truyền lại những kỹ thuật tinh xảo của nghề làm đá, ông là một trong những người thợ lành nghề nổi tiếng của làng đá Ninh Vân, ông cũng chính là người đã tham gia tu sửa nhà thờ đá Phát Diệm (Kim Sơn). Năm 12 tuổi anh đã có thể chạm khắc thành công những nét hoa văn đơn giản trên bát hương đá, bia đá và nhiều sản phẩm nhỏ gọn khác. Nghề điêu khắc đá gia truyền của gia đình anh có từ thời ông cố nội, ông chính là người thợ cả dẫn dắt đội thợ gần 300 người làm trong suốt 35 năm công trình nhà thờ đá Phát Diệm (Kim Sơn), sau này bố anh lại chính là người tham gia trùng tu nhà thờ Đá Phát Diệm.
Dưới sự dẫn dắt của bố, anh Việt đã trở thành một trong những người thợ đá lành nghề, có nhiều sản phẩm nổi tiếng. Hiện anh là giám đốc Công ty TNHH MTV Anh Việt Ninh Bình, cơ sở này đã tạo việc làm thường xuyên cho 40-50 lao động, với thu nhập trung bình 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, công ty đã trở thành một thương hiệu mạnh trong ngành sản xuất đá mỹ nghệ tại Ninh Vân với các sản phẩm chủ đạo như: Lăng mộ đá, tượng đá, bàn đá, sập đá, cuốn thư bình phong đá, chiếu đá, bát hương đá, rồng đá… Các sản phẩm của công ty đã có mặt tại rất nhiều tỉnh thành trên cả nước, và cả nước ngoài với những công trình nổi tiếng phải kể đến như bệ tượng và bia đá lớn nhất Đông Nam Á tại khu tâm linh núi chùa Bái Đính, cổng chào Tam Cốc - Bích động, hay hàng rào, cổng chùa Phật Quang Đại Nội Huế, cột đá, chiếu rồng đá, sư tử đá ở Nghĩa Trang An lạc Viên Hòa Bình và vô số công trình khác ở các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh….thậm chí, sản phẩm của công ty anh còn được xuất khẩu sang Australia.
Để làm ra những sản phẩm có chất lượng, được khách hàng ưa chuộng anh Việt tâm sự: "tôi đã dành rất nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu từ các tài liệu liên quan đến mỹ thuật, kỹ thuật chạm khắc đá của các nghệ nhân trong và ngoài nước. Để lên mẫu tôi thậm chí còn phải đi thực tế ở những công trình, đền chùa trên khắp cả nước để xem những con rồng, hoa sen, con hổ, long, lân, quy, phụng… hay các chi tiết cổ được chạm khắc như thế nào. Ví như khi tham gia chạm bệ tượng ở chùa Bái Đính, tôi đã phải tìm đến tận chùa Đọi (Hà Nam) để xem hình tượng con rồng thời Lý được các nghệ nhân xưa chạm khắc ra sao".
Ngay với cả những sản phẩm do công ty mình làm ra, anh đều có một yêu cầu khắt khe với công nhân, đó là tất cả các khối đá sau khi dùng máy để sơ chế cắt gọt, thì tuyệt đối phải dùng phương pháp thủ công để bạt, ve, hay chạm đá trong quá trình hoàn thiện sản phẩm. Sản phẩm nào chưa đạt thì anh yêu cầu làm lại, sản phẩm nào có chất lượng tốt thì anh khuyến khích bằng cách trả công cao hơn, đối với anh thợ làm đá không được phép làm ẩu. Cái tâm của người thợ không cho phép anh làm ra những sản phẩm chất lượng kém. Bên cạnh đó, công ty anh luôn đặt khách hàng là tiêu chí hàng đầu cho việc sống còn của doanh nghiệp, chính vì vậy mọi thành viên trong công ty đều cố gắng dồn hết tâm huyết để giữ vững và khẳng định tên tuổi thương hiệu của công ty trong lòng khách hàng khắp bốn phương.
Giám đốc trẻ của công ty TNHHMTV Anh Việt Ninh Bình - anh Việt chia sẻ " Trước nhu cầu sử dụng các mặt hàng mỹ nghệ ngày càng gia tăng như hiện nay, sự cạnh tranh trên thị trường đã làm ảnh hưởng đến quy trình sản xuất các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ, chính vì vậy mà các sản phẩm mỹ nghệ đang mất dần những nét văn hóa giá trị truyền thống về thủ công, chất lượng và độ tinh xảo. Nhưng ngay từ đầu định hướng của công ty tôi là xây dựng thương hiệu riêng cho doanh nghiệp mình, đồng thời vừa duy trì và phát huy nghề cổ truyền thống của cha ông để lại."
Với tâm huyết bảo tồn và xây dựng nghề truyền thống của cha ông, cùng với những sản phẩm chất lượng có giá trị đã được khẳng định qua thời gian, năm 2013 công ty của anh đã được vinh dự đón nhận Cúp thương hiệu nghề truyền thống gia truyền toàn quốc. Đây là phần thưởng lớn lao dành cho anh, người thợ đá trẻ vẫn ngày ngày ngày cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân ngày một phát triển và hưng thịnh.
Nguyễn Thủy