Lê Văn Lịch tâm sự: Bố mẹ tôi kể rằng, khi mới vài tháng tuổi, một trận sốt kinh hoàng đã để lại di chứng khiến tôi bị teo một chân. Từ đó, tôi trở thành đứa bé khuyết tật. Lên 7 tuổi, nhìn bạn bè cùng trang lứa đi học, tôi cũng xin mẹ được cắp sách đến trường. Học tiểu học, mẹ luôn phải cõng đi học. Ngồi trên lưng mẹ, tôi tự nhủ mình phải không ngừng vươn lên để lưng mẹ bớt còng... Bước vào THCS, Lịch luôn là một trong những học sinh khá, giỏi của lớp, được bạn bè, thầy cô quý mến. Mặc dù sức khỏe yếu do phải thường xuyên nghỉ học để chữa trị chân nhưng Lịch luôn luôn cố gắng phấn đấu để rèn luyện, học hỏi, vươn lên. Nể phục tinh thần vượt khó của Lịch, các bạn trong lớp đã thay nhau đưa em đến lớp mỗi ngày. Cảm động trước tình cảm của thầy cô, bạn bè và gia đình đã dành cho mình, chưa lúc nào Lịch cho phép mình có tư tưởng chông chờ, ỷ lại. "Tình cảm đó tôi luôn trân trọng, nó là động lực giúp tôi thực hiện tâm niệm khuyết tật chứ không khuyết tài"- Lê Văn Lịch tâm sự.
Và với đôi chân tật nguyền, Lịch đã theo học đến hết THPT. Sau khi tốt nghiệp, do gia đình khó khăn nên Lịch đã quyết định đi học nghề để phụ giúp bố mẹ. Chàng thanh niên trẻ đã quyết định chọn nghề may để lập nghiệp- một công việc không tốn nhiều sức lực nhưng lại đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỷ mỷ. Suốt 4 năm gắn bó với nghề may, những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày đã khiến Lịch nảy ra ý tưởng phải sáng chế ra chiếc xe lăn điện giúp ích cho sự đi lại của những người khuyết tật như mình. Nghĩ là làm, năm 2011, Lịch quyết định xin vào làm thuê tại cửa hàng sửa chữa xe máy gần nhà để có điều kiện tiếp cận với những kiến thức về điện, về động cơ. Vốn là người thông minh nên chỉ vài tháng, Lịch đã làm quen với công việc và dần dần tích lũy kiến thức về máy móc, xe cộ. Những lúc rảnh, Lịch tranh thủ cập nhật Internet để phục vụ ý tưởng sáng chế xe lăn điện của mình.
Tìm tòi, nghiên cứu, một năm sau, sản phẩm xe lăn điện đầu tiên của chàng trai Lê Văn Lịch đã ra đời. Đó là một chiếc xe chạy bằng ắc quy và có chức năng lùi, tiến, giúp cho người khuyết tật không mất nhiều công sức mà vẫn có thể điều khiển xe chạy dễ dàng. Sau đó, Lịch đã làm thêm một chiếc xe lăn điện nữa để tặng cho một người bạn thân có cùng cảnh ngộ. Chiếc xe lăn điện đó được nhiều người biết và đã tìm đến Lịch để đặt hàng. Được sự cổ vũ của gia đình, bạn bè, Lịch quyết định mở xưởng sản xuất và sửa chữa xe lăn điện. Thấu hiểu hoàn cảnh của nhiều người khuyết tật nên anh chỉ bán với giá thành rất rẻ, vì vậy mà xưởng sản xuất của Lịch ngày càng được nhiều người biết đến.
Không hài lòng với những thành công đạt được, Lịch tiếp tục mày mò, nghiên cứu để cho ra đời nhiều dòng xe lăn điện nhỏ gọn hơn, nhiều tính năng hơn để tiện cho việc đi lại của người khuyết tật. Đến nay, các xe lăn điện do Lịch sáng chế đã có thêm nhiều tính năng như: hệ thống báo hiệu (còi, đèn pha, đèn báo hiệu trước và sau xe), chế độ lùi, tiến. Đặc biệt, tay ga để điều khiển xe lăn điện có thể bố trí bên phải hay bên trái tùy theo yêu cầu của khách hàng. Hiện nay, chỉ với 5 -10 triệu đồng, người khuyết tật đã có thể sở hữu một chiếc xe lăn đầy tiện ích.
Từ khi thành lập xưởng đến nay, Lịch đã bán được hơn 100 chiếc xe lăn điện. Mỗi năm, cơ sở chế tạo và sửa chữa xe lăn điện đã cho thu nhập hơn 50 triệu đồng. Không những tạo việc làm cho bản thân và gia đình mà cơ sở chế tạo xe lăn của Lịch còn tạo việc làm cho nhiều lao động, trong đó có nhiều người khuyết tật với mức lương trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Em Nguyễn Thế Thịnh, 16 tuổi ở xã Trường Yên là một trong những người khuyết tật đang làm việc tại xưởng chế tạo và sửa chữa xe lăn điện của Lịch cho biết: Em mắc căn bệnh không có nhãn cầu mắt phải. Hoàn cảnh gia đình lại gặp nhiều khó khăn nên em phải nghỉ học sớm. Trước đây, em từng rất vất vả khi đi tìm việc làm vì đến đâu họ cũng từ chối, lo em không đủ sức khỏe. Nhưng may mắn em được anh Lịch nhận dạy nghề và tạo việc làm. Em rất biết ơn anh Lịch. Từ đây em có thêm nghị lực để vượt qua bệnh tật, sống có ích hơn.
Thành công bước đầu của cơ sở chế tạo và sửa chữa xe lăn điện đã giúp cho Lê Văn Lịch tự tin hơn ở những dự định trong tương lai, anh cho biết: Tôi sẽ tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất để có nhiều người khuyết tật có việc làm, thu nhập ổn định. Để làm được điều này, tôi mong muốn Nhà nước tạo điều kiện giúp tôi được tiếp cận những nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để tôi có cơ hội tiếp tục thực hiện kế hoạch của mình.
Đinh Ngọc