Giới thiệu với chúng tôi về những quả cà chua nhót được trồng theo quy trình VietGAP, chị Dung vui vẻ chia sẻ những ý tưởng hiện đại hóa đồng ruộng, tạo những nông sản chất lượng cao: Sinh ra, lớn lên ở Khánh Cư và gắn bó với nghề nông nên tôi rất "rành" đất đai, điều kiện thổ nhưỡng của vùng. Đất đai ở đây khá mầu mỡ, tơi, xốp; nông dân cần cù, chất phác và rất ham học hỏi. Thế nhưng, những năm trước, mặc dù chăm chỉ, quanh năm bám đồng ruộng vậy mà tôi cũng như nhiều nông dân vẫn chưa thể giàu lên nhờ cây lúa, củ khoai. Đây chính là điều tôi luôn trăn trở. Phải chăng do chưa tìm được loại cây có thế mạnh và chưa tổ chức sản xuất theo hình thức tiên tiến?...
Để tìm lời giải cho các câu hỏi của mình, chị Dung đã đi học hỏi, thăm quan các mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tranh thủ tham vấn các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp. Thế nhưng ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương của chị chỉ được thực hiện khi xã Khánh Cư thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa (năm 2013). Chị Dung quyết định dồn đổi diện tích của gia đình và mua thêm diện tích của các hộ không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Cũng năm đó, được các kỹ sư Trường Đại học Nông nghiệp I- Hà Nội tư vấn, chị đã đưa giống lúa nếp cẩm vào sản xuất bằng phương pháp hữu cơ. Đồng thời, nhằm "rộng đường" xuất khẩu cho cây lúa, chị đã đứng ra thành lập Công ty cổ phần đầu tư công nghệ xanh. Giống lúa nếp cẩm sinh trưởng, phát triển tốt, lại được nhiều doanh nghiệp thu mua nên cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với các giống lúa khác. Tuy nhiên, thời gian sinh trưởng của lúa nếp cẩm khá dài (6 tháng), chưa thực sự khai thác triệt để tiềm năng từ đất. Nhận thấy, đồng đất Khánh Cư đa phần là "đất thịt", nhẹ, phù hợp với trồng các loại rau mầu, do vậy, một lần nữa, chị mạnh dạn xin phép các cấp, các ngành chức năng được chuyển đổi đất trồng 2 vụ lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây rau màu. Đề xuất của chị được chính quyền địa phương chấp thuận ngay sau đó. "Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Công ty mở rộng đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất"- chị Dung cho biết.
Thành công của cây lúa nếp cẩm sản xuất bằng phương pháp hữu cơ giúp chị Dung hiểu ra rằng, nông nghiệp công nghệ xanh với quy trình an toàn, tạo ra những nông sản an toàn là rất quan trọng, đồng thời đây là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện tại và tương lai. Để ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất, Công ty đã tích cực tranh thủ sự quan tâm của các cấp, các ngành và đặc biệt là tiếp nhận sự hỗ trợ về kỹ thuật của Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam. Hiện nay, tổng diện tích sản xuất của Công ty (10 ha) đều được sản xuất bảo đảm theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt cho rau quả tươi, an toàn (VietGAP). Đặc biệt, tháng 4/2018, Công ty đã quyết định đầu tư 6.000 m2 diện tích nhà lưới và nhà kính để tiến hành sản xuất rau an toàn, giảm thiểu sức lao động cũng như những tác động bất lợi từ thời tiết. Cùng với đó, người lao động làm việc tại đây luôn được Công ty chú trọng hướng dẫn, nắm vững quy trình canh tác sạch, an toàn, hình thành thói quen sản xuất nông nghiệp công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khỏe cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Cũng theo chị Dung, việc thành lập Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ xanh là lời giải cho bài toán về hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến. Bởi khi thành lập công ty đã có cơ sở pháp lý để liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư một cách chặt chẽ hơn (kể cả về giống, vốn, thị trường), từ đây nông sản sạch mới có chỗ đứng vững trên thị trường.
Hiện các sản phẩm của Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ xanh đã có mặt ở các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch ở Ninh Bình, Hà Nội. Trong tương lai không xa, còn có cơ hội xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, khi mà hiện nay phía đối tác đang có nhu cầu liên doanh. Thành công từ ứng dụng công nghệ cao với hình thức sản xuất tiên tiến không chỉ giúp chị Dung thực hiện được ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mà còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 30 lao động, thậm chí lúc đông trang, thời vụ lên tới 40-50 người. Song, với một người đam mê công nghệ xanh thì con đường để đi đến thành công chưa dừng lại ở đó, chị Dung chia sẻ: Tôi vẫn luôn ấp ủ dự định một ngày nào đó sẽ đưa các sản phẩm nông nghiệp sạch của quê hương ra thị trường nước ngoài và tôi đang nỗ lực cùng với các cộng sự không ngừng phấn đấu, đầu tư thời gian, công sức, kinh phí để thực hiện...
Bài, ảnh: Khải Hoàn