Vượt qua con đường đất ngoằn ngòeo, rồi lại dò dẫm xuống con dốc sâu, lầy lội do trận mưa từ tối hôm trước, chúng tôi mới tới được trang trại nhỏ của chị Nguyễn Thị Tân. Khi chúng tôi đến, chị Tân vừa xuất bán đàn gà hơn 2.000 con cho một lái buôn từ tỉnh ngoài. Hơi tiếc vì đàn gà "tụt dốc" mất một giá so với tháng trước, song "chăn nuôi phụ thuộc nhiều yếu tố lắm. Đủ cân, đủ tuổi bán rồi còn phụ thuộc vào giá cả và sức mua từ thị trường, vậy nên xác định làm chăn nuôi thì cũng phải chấp nhận những rủi ro hay sự bấp bênh của giá cả mà vững tâm phấn đấu"- chị Tân nói vậy. Rồi người phụ nữ nhỏ nhắn ấy lại nhanh nhẹn mang cỏ cho đàn dê ăn. Vui vẻ nhìn đàn dê nhởn nhơ gặm cỏ, chị Tân cho biết, hơn 100 con dê này là vợ chồng tôi mới mua được vài tháng nhằm đa dạng con nuôi và đặc biệt là tận dụng được lợi thế địa hình đồi rừng. Vì là con nuôi mới, nên vợ chồng tôi cất công lên tận trại giống ở Hà Nội mua và học hỏi kiến thức chăm sóc dê. Khi thử nghiệm nuôi thành công, chúng tôi sẽ nhân rộng đàn dê thành con nuôi chủ lực.
Chị Tân bảo, thôn Đức Thành là thôn khó khăn nhất của xã Xích Thổ. Địa hình đồng ruộng manh mún, hệ thống thủy lợi nội đồng lại chưa đầy đủ nên việc canh tác rất khó khăn. Nếu chỉ bám vào đồng ruộng thì đến ăn còn chưa đủ chứ nói gì tới có tiền để chăm lo cho con cái học hành. Trong khi đó, bà con trong thôn cũng chẳng có nghề phụ gì để làm lúc nông nhàn, thành ra cứ có sức khỏe thì đa phần bà con đi làm thuê. Đối với gia đình tôi cũng vậy, tuy nhiên đi làm thuê không phải là hướng phát triển kinh tế lâu dài. Lúc khỏe đã vậy, còn lúc ốm đau, tuổi cao thì sao? Vì vậy, tôi luôn suy tính làm thế nào để có thể phát triển kinh tế ở ngay vùng đất khó này. Suy đi tính lại, vợ chồng tôi quyết tâm sẽ bám vào đồi, vào rừng để làm kinh tế
Nghĩ là làm, vợ chồng chị Tân tận dụng hơn 2 ha diện tích đất rừng của gia đình để xây dựng trang trại, phát triển chăn nuôi. Ban đầu, chị mua hơn 3.000 con gà về nuôi. Những năm đầu mở rộng chăn nuôi, chị Tân gặp muôn vàn khó khăn vì thiếu kiến thức chăn nuôi, đỉnh điểm là có đợt gà bị dịch, ốm chết hàng loạt. Xót ruột lắm, nhưng chị vẫn không nản, chị mày mò đọc sách báo, nghiên cứu các tài liệu và học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ chủ các mô hình chăn nuôi khác, đồng thời tham gia các lớp tập huấn các chương trình, dự án phát triển chăn nuôi. Và chị đã có thành công ngoài mong đợi, từ vài trăm con gà thử nghiệm, đến nay trang trại nhà chị lúc nào cũng có hàng nghìn con gà đủ các lứa để có thể xuất bán thường xuyên. Mỗi lứa gà sau khi xuất bán cũng mang về cho gia đình chị hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, chị Tân còn nuôi vài trăm con gà đẻ để bán trứng gà sạch. Hiện tại, chị Tân cũng đang chăm sóc đàn gà 3 nghìn con, mỗi con đã đạt trọng lượng trên 1 kg, dự kiến sẽ xuất đàn vào dịp Tết Nguyên đán.
Không chỉ tập trung nuôi gà, vợ chồng chị còn đào ao, thả cá trắm đen. Diện tích xung quanh ao, chị tận dụng để trồng cỏ cho dê và cá. Một ngày làm việc của chị từ sáng sớm tới chiều muộn. Vất vả lắm, nhưng nhìn các con nuôi do mình chăm bẵm lớn từng ngày thì trong chị chỉ còn lại niềm đam mê và khát vọng vươn lên. Hiện nay, thu nhập từ mô hình trang trại tổng hợp cũng mang về cho gia đình chị hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Tân còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho chị em trong thôn với mong muốn sẽ có nhiều mô hình kinh tế triển vọng trên vùng đất khó này.
Bài, ảnh: Đào Hằng