Có mặt tại cánh đồng của HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh để tận mắt chứng kiến hoạt động của chiếc máy do anh Tuấn chế tạo. Chiếc máy nhìn bề ngoài khá đơn giản, bao gồm 1 máy nén áp suất sử dụng động cơ chạy bằng xăng, 1 bình phụ 30 lít dùng để lọc nước và pha thuốc; 1 bình chứa khoảng 200 lít; rulo cuốn xả dây dẫn, pet phun. Ngoài ra còn có hệ thống giá đỡ, bánh xe đẩy. Khi vận hành, thuốc BVTV và nước được đưa vào bình phụ, trong bình phụ có một hệ thống lưới nhằm lọc bỏ tạp chất, tránh ảnh hưởng đến máy bơm; thuốc và nước sau khi được trộn đều sẽ chuyển vào nén áp suất, khi áp suất đủ lưu lượng thuốc cung cấp đến pet phun và người điều khiển chỉ việc kéo dây dẫn đi dọc bờ ruộng để phun thuốc mà không phải lội xuống ruộng do máy tạo áp lực lớn, dòng thuốc có thể phun xa tới 7-8 m.
Ông Vũ Văn Chỉ, thành viên của tổ phun thuốc BVTV, HTX Hợp Tiến, người trực tiếp vận hành máy đã hơn 1 năm nay chia sẻ: Sử dụng chiếc máy này 1 ha lúa tôi chỉ phun trong 2 tiếng đồng hồ, trong khi đó nếu dùng bình xịt thủ công thì phải mất cả ngày. Hơn nữa, máy tạo ra áp lực lớn nên giọt thuốc mịn và trải đều, gia tăng được hiệu quả sử dụng thuốc. Nhưng điều tuyệt vời hơn cả là chiếc máy này khá an toàn, người phun không phải lội xuống ruộng như xịt thủ công đồng nghĩa với việc không đi vào vùng ruộng đã được phun thuốc, giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp với thuốc.
Chủ tịch HĐQT HTX Hợp Tiến ông Vũ Văn Quyết cho biết: Trong sản xuất nông nghiệp, việc phun thuốc BVTV vẫn là công việc nặng nhọc và độc hại của nông dân. Đặc biệt, trong bối cảnh thiếu lao động nông nghiệp, nhân công ngày càng tăng cao thì việc áp dụng cơ giới hóa vào khâu sản xuất này là một nhu cầu cấp thiết.
Do vậy, sau khi anh Tuấn thử nghiệm thành công chiếc máy phun thuốc BVTV, vụ mùa 2016 HTX đã đề nghị và được Sở Nông nghiệp & PTNT tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để sản xuất 3 chiếc máy phun thuốc và đưa vào sử dụng hiệu quả. HTX cũng đã thành lập 1 tổ phun thuốc gồm 9 thành viên đáp ứng yêu cầu sản xuất của bà con nông dân, giá công phun rất rẻ, chỉ có 10 nghìn đồng/sào.
HTX hiện có khoảng 100 ha sản xuất tập trung với 270 hộ thành viên đang được hưởng lợi từ mô hình này, bà con hết sức phấn khởi. Ông Quyết cho biết thêm: Ngay tại thời điểm này, dịch bệnh đạo ôn hoành hành, nhờ có máy phun thuốc BVTV mà việc chỉ đạo phòng trừ của HTX được thuận lợi, nhanh chóng, đúng thời điểm, đảm bảo hiệu quả phòng trừ tốt nhất.
"Nhiều năm lăn lộn với nông nghiệp, cũng từng phải chăm sóc, phun thuốc cho cả vài ha lúa mỗi đợt sâu bệnh, nên tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để đưa cơ giới hóa vào khâu này cho dân bớt cực khổ, đảm bảo an toàn cho bà con nông dân.
Bước đầu tôi có tham khảo qua một số anh em đã từng đi xuất khẩu lao động, làm việc ở một số nông trại của Hàn Quốc, Israel hỏi xem ở bên đó họ phun thuốc BVTV như thế nào, máy móc cơ bản ra làm sao, rồi tôi tự mày mò thiết kế, đi tìm vật liệu cho phù hợp và nhờ thợ cơ khí làm theo ý tưởng của mình. Ban đầu cũng có vài trục trặc nhỏ, cụ thể như lúc kéo dây để đi phun, do dây quá dài (khoảng 200 m) nên việc di chuyển khá khó khăn, dây thường gạt vào cây lúa khiến cây ngã đổ.
Mất một thời gian nghiên cứu thử nghiệm ngoài đồng ruộng, mọi chuyện cũng được khắc phục, chiếc máy hoàn thiện và đi vào hoạt động tốt. Máy có năng suất cao gấp 4-5 lần so với phun bình bằng tay, giúp tiết kiệm chi phí thuê nhân công, chất lượng phun xịt cũng tốt hơn nhiều", anh Hoàng Anh Tuấn chia sẻ với chúng tôi.
Bài, ảnh: Hà Phương - Hoàng Hiệp