Chị Mai Thủy (phường Nam Bình - thành phố Ninh Bình) cho biết, thu nhập của cả hai vợ chồng trong một tháng là 6 triệu đồng nhưng chỉ tính riêng tiền ăn uống, đi chợ cho 4 nhân khẩu, chi phí học hành cho 2 con, chi phí đi lại của hai vợ chồng... đã tiêu tốn khoảng 5 triệu đồng. Thu nhập không tăng trong khi xăng đã tăng giá, giờ lại giá điện cũng tăng, các loại hàng hóa thì tăng giá theo ngày, nên để có một cuộc sống như trước đây, chị Thủy đã phải chi tiêu thêm tiền, số tiền 6 triệu đồng của hai vợ chồng coi như không để ra được một đồng nào.
Theo quy luật mọi năm, những ngày sau Tết giá cả thực phẩm sẽ tăng, kế đó, sau Rằm tháng Giêng, giá cả sẽ dần trở lại ổn định. Thế nhưng, năm nay thì khác, đã gần hết tháng Giêng, nhưng giá cả thực phẩm vẫn cao ở mức độ chóng mặt. Rau xanh tăng khoảng gấp rưỡi so với cách đây một tuần: Cải cúc từ 2.000 đồng/mớ tăng lên 3.000 đồng/mớ; cải ngọt từ 13.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg; xu hào từ 3.000 đồng/củ tăng lên 5.000 đồng/củ… Cùng với rau là các loại thực phẩm, các loại cá cũng tăng từ 5 - 10 nghìn đồng/kg; thịt bò giá dao động từ 150.000 - 170.000 đồng/kg, giá thịt gà từ 100.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại, tôm sú có giá 200 - 250.000 đồng/kg… Chính vì thực phẩm lên giá như vậy nên các hàng ăn nếu không tăng giá cũng giảm chất lượng đáng kể. Một bát phở trước đây giá trung bình là 15-18.000 đồng thì nay qua Tết đã lâu mà vẫn ở giá 20.000 đồng/bát, còn nếu giữ giá cũ thì phở như "không người lái". Một suất cơm trưa bình dân thường chỉ khoảng 20 - 25.000 đồng thì nay lên giá 35 - 40.000 đồng mà vẫn không đủ ngon miệng khiến anh chị em xa nhà thấy xót xa khi đi ăn cơm bình dân.
Các mặt hàng hạ giá...sẽ thu hút lượng khách bình dân...
Từ ngày 24-2, giá xăng đã tăng thêm 2.900 đồng/lít, có giá 19.300 đ/lít, dầu diezel tăng 3.550 đồng một lít lên 18.300 đồng, dầu hỏa tăng từ 15.100 lên 18.200 đồng, còn dầu mazuts tăng từ 12.690 đồng lên 14.800 đồng mỗi kg. Từ 1-3, giá bán lẻ điện sẽ áp dụng mức mới, bình quân 1.242 đồng mỗi kWh, tăng 165 đồng mỗi kWh so với năm ngoái. Cùng với giá điện là giá sữa cũng đua nhau đúng ngày 1-3 tăng thêm 6-12% cho các mặt hàng sữa bột. Giá cả tăng chóng mặt như trên, đối tượng chịu nhiều thiệt hại nhất chính là người tiêu dùng, mà cụ thể là chị em nội trợ, sinh viên và người hưu trí.
Nhiều chị em đã phải tính toán để có cách chi tiêu hợp lý nhằm tiết kiệm tiền. Như gia đình chị Thúy Hà, thay vì các bữa sáng cả gia đình đi ăn ở quán, trước đây chỉ hết 50-55.000 đồng cho 4 người, thì nay hết 80.000 đồng, chị Hà đành sáng dậy sớm rang cơm hoặc nấu mì tôm, canh bánh đa cho cả nhà, như thế cũng tiết kiệm được vài chục nghìn đồng. Bữa trưa và tối, trước đây chị đi chợ chỉ khoảng 100-120.000 đồng là tươm tất cho cả gia đình 4 người thì nay phải cắt giảm thực đơn hoa quả hoặc mua ít thức ăn đi nếu không muốn bỏ thêm tiền. Nhiều chị em linh động thay đổi thực đơn chính từ thịt cá sang... nhiều rau, hay giảm từ 2 món thức ăn mặn trong bữa xuống còn 1 món mặn, 1 món rau và cơm canh...
Thế nhưng, đó là giới công sở - những người đi làm còn kiếm được tiền. Nhưng sinh viên - đối tượng chưa làm ra tiền nhưng nhu cầu chi tiêu lại khá cao. Nỗi lo nhất của sinh viên là giá cơm bụi, giá phòng trọ tăng, rồi tiếp đó là giá điện. Nhiều bạn sinh viên lo ngại, trước đây chủ nhà thường tính 2.000 đồng/số điện (trong khi giá điện nhà nước là 600 đồng/số) thì nay giá điện tăng thêm 15,8% thì tiền điện chắc chắn tăng thêm khiến nhiều sinh viên... không dám dùng điện. Đó là chưa kể giá thực phẩm tăng khiến cơm bình dân tăng theo, sinh viên chắc chắn sẽ phải "dùng" mì tôm thay thế trong nhiều bữa ăn chính…
Cùng với sinh viên là đối tượng hưu trí - những người chỉ hưởng lương hưu mà không có thêm một khoản thu nhập nào. Bác Huyền - một cán bộ hưu trí ở khu tập thể Nhà máy điện Ninh Bình chia sẻ: "Hai vợ chồng tôi là công nhân về hưu, lương tổng cộng được 4,2 triệu đồng/tháng. Với giá cả trước đây thì đủ ăn, nhưng giờ thì có lẽ là phải giảm một số thực phẩm trong bữa cơm. Hai ông bà già mỗi ngày cũng phải tiêu đến tiền trăm. Cũng phải tính toán để tiết kiệm tí chút khi ốm đau có tiền thăm khám thuốc thang, rồi còn đám giỗ, ma chay, cưới hỏi. Giá cả các mặt hàng cứ đà tăng như thế này rồi không biết phải trông vào đâu...".
Trong bối cảnh vừa Tết xong, giá cả các mặt hàng đều tăng lên khá cao, mà giá xăng, giá điện cũng bất ngờ tăng …người nội trợ thực sự đang phải đau đầu tính toán để đảm bảo bữa ăn và mọi chi phí cho gia đình trong thời "bão giá".
Hạnh Chi