Người Ninh Bình cũng là người Việt Nam đầu tiên là Phó Chủ tịch Hội chuyên gia nghiên cứu Tê tê thế giới
Thứ Ba, 01/06/2021, 09:18
Zalo
Với những đóng góp không mệt mỏi gần hai mươi năm trong công tác bảo tồn động vật hoang dã, đặc biệt là loài Tê tê, anh Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (tên tiếng Anh là Save Vietnam's Wildlife - SVW), trụ sở tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, là người Việt Nam đầu tiên có tên trong danh sách Hội chuyên gia nghiên cứu Tê tê thế giới với vai trò là Phó Chủ tịch Hội.
Người Ninh Bình cũng là người Việt Nam đầu tiên là Phó Chủ tịch Hội chuyên gia nghiên cứu Tê tê thế giới
Đây là niềm vui và cũng là sự vinh dự, tự hào to lớn, khẳng định năng lực của một tổ chức do chính người Việt làm chủ, trong việc phục hồi các quần thể Tê tê tại Việt Nam, đồng thời góp phần thay đổi hình ảnh của ngành bảo tồn Việt Nam trong mắt giới chuyên môn quốc tế.
Anh Nguyễn Văn Thái cho biết: Bản thân anh là người sinh ra và lớn lên gần Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương nên ngay từ nhỏ anh đã yêu thích núi rừng và dành nhiều tình yêu cũng như tâm huyết của mình để bảo vệ rừng và động vật hoang dã. Đặc biệt, ký ức khi còn nhỏ, được tận mắt chứng kiến cảnh người hàng xóm sống cùng làng săn bắt và giết hại một cặp mẹ con Tê tê, khiến anh luôn bị ám ảnh và nhủ lòng mình sẽ quyết tâm gắn bó với công tác bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có Tê tê.
Năm 2005, anh Thái tham gia Chương trình Bảo tồn Tê tê Châu Á tại VQG Cúc Phương (Asian Pangolin Conservation Program-APCP), với vai trò ban đầu là tình nguyện viên và sau đó là điều phối viên của chương trình. Sau thành công trong việc giải cứu và phục hồi Tê tê, cuối năm 2007, anh được trở thành người quản lý hoạt động cứu hộ, chăm sóc động vật tại Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê (Carnivore and Pangolin-CCPCP). Anh cũng đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu cả trong điều kiện nuôi nhốt và ngoài tự nhiên, là đồng tác giả của nhiều bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Năm 2012, anh Nguyễn Văn Thái được chọn là một trong 40 anh hùng bảo tồn động vật hoang dã trong cuốn sách Wildlife Heroes, xuất bản tại Hoa Kỳ cùng năm. Đến năm 2016, anh Thái vinh dự được trao Giải thưởng Future for Nature. Đây là một giải thưởng quốc tế uy tín nhằm tôn vinh cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn các loài động-thực vật hoang dã. Từ năm 2008 đến nay, Giải thưởng Future for Nature đã tài trợ 2,1 triệu Euro cho 41 nhà bảo tồn đến từ 29 quốc gia trên thế giới.
Bằng sự nỗ lực và niềm đam mê về công tác bảo tồn, anh Thái đã quyết tâm tự học tiếng Anh và được trao học bổng toàn phần của Chính phủ Australia để phát triển chuyên môn tại nước Úc. Anh đã hoàn thành văn bằng về Quản lý và Phát triển Môi trường của Đại học Quốc gia Úc, và sau đó tốt nghiệp Chương trình Thạc sĩ Khoa học Môi trường-Trường Đại học Quốc gia Úc. Trước đó anh cũng được trao học bổng để tham gia tập huấn và đạt được Chứng chỉ tốt nghiệp về Quản lý các loài nguy cấp Durrell của Đại học Kent và Tổ chức Bảo tồn Động vật Hoang dã Durrell, Anh Quốc.
Để thay đổi số phận của loài Tê tê, anh Thái bắt đầu hành trình bằng việc giáo dục-nâng cao nhận thức cho người dân Việt Nam về tầm quan trọng của việc bảo tồn Tê tê. Anh ghi chép và phát triển sổ tay hướng dẫn chăm sóc-cứu hộ Tê tê, xuất bản công trình nghiên cứu trên các tạp chí uy tín, tham dự các hội thảo quốc tế và xây dựng các quy trình đầu tiên về theo dõi và phục hồi Tê tê ở Việt Nam.
Đặc biệt, để hiểu rõ hơn về chuỗi cung ứng săn trộm, anh Thái đã phỏng vấn, trao đổi với thợ săn để hiểu cách Tê tê bị bắt giữ như thế nào, từ đó theo dõi và ngăn chặn được các vụ săn bắt trái phép. Anh cũng đến các địa điểm tiêu thụ như chợ buôn bán, nhà hàng và gặp các bác sĩ y học cổ truyền để hiểu rõ hơn về nhu cầu tiêu thụ Tê tê…
Người luôn gắn bó với công tác bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có Tê tê. Ảnh: NVCC
Không dừng lại ở đó, anh Nguyễn Văn Thái đã thành lập Trung tâm phục hồi chức năng cho Tê tê Châu Á đầu tiên của Việt Nam, nhằm tập trung vào việc phục hồi chức năng cho những cá thể Tê tê trong điều kiện nuôi nhốt. Để chăm sóc những cá thể Tê tê được cứu hộ (thường trong tình trạng nguy kịch do ảnh hưởng của quá trình săn bắt, buôn bán và vận chuyển), anh Thái sử dụng ngân quỹ từ các nhà tài trợ để xây dựng 2 phòng khám thú y được trang bị đầy đủ thiết bị có khả năng làm huyết học và siêu âm.
Kết quả, khoảng 80% trong số những cá thể Tê tê bị thương nặng và nhiễm trùng đã được cứu chữa và phục hồi. Đồng thời, các phòng khám cũng đóng vai trò là cơ sở nghiên cứu quan trọng, nhằm nâng cao và cải thiện công tác chăm sóc y tế cho Tê tê. Qua nghiên cứu thực tế, đã xác định được 12 loài ký sinh trùng ở Tê tê và phác đồ được các kế hoạch điều trị tương ứng.
Năm 2014, ở độ tuổi 32, Nguyễn Văn Thái sáng lập và trở thành Giám đốc điều hành của Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam với sứ mệnh ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi các loài động vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam. Anh cũng là người Việt Nam đầu tiên được bầu làm Phó Chủ tịch của Nhóm chuyên gia về Tê tê thế giới của Ủy ban về sự sống còn của các loài hoang dã (SSC) - thuộc Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Năm 2018, anh Thái kết hợp với Ban quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An, thành lập nhóm Chuyên trách Bảo vệ rừng đầu tiên của Việt Nam. Đây là mô hình kết hợp giữa một tổ chức phi lợi nhuận và cơ quan Nhà nước đồng quản lý. Anh đã trang bị cho các cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng từ kiến thức về bảo tồn động vật hoang dã, nhận dạng động vật, kỹ năng sử dụng Hệ thống định vị toàn cầu (Global Positioning System, GPS), cho đến võ thuật cơ bản và kỹ năng sinh tồn.
Nhóm đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm làm nhiệm vụ trên toàn bộ 235.000 mẫu (95.000 ha) rừng nguyên sinh ở Vườn Quốc gia Pù Mát. Trong các chuyến đi kéo dài nhiều ngày (từ 7-10 ngày/chuyến), nhóm đã phá bỏ các lán trại dựng đóng bất hợp pháp và tháo dỡ nhiều bẫy động vật hoang dã, tịch thu vũ khí và bắt giữ những kẻ săn trộm. Kết quả, từ năm 2018-2020, các hoạt động săn trộm và vào rừng bất hợp pháp tại Vườn Quốc gia Pù Mát đã giảm 80%.
Là một trong số ít người trên thế giới làm công việc bảo tồn và phục hồi chức năng cho Tê tê, anh Nguyễn Văn Thái đã góp phần quan trọng trong việc tìm hiểu và bảo vệ loài động vật đang bị đe dọa ở mức cực kỳ nguy cấp này. Anh cũng đã nghiên cứu các chiến lược bảo tồn toàn cầu và làm việc với cơ quan quản lý Công ước về buôn bán Quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp (Convention on International Trade in Endangered Species, CITES) vào năm 2016 để đưa 8 loài Tê tê từ Phụ lục II lên Phụ Lục I thuộc Công ước.
Điều đặc biệt, Trung tâm SVW là tổ chức đầu tiên trên thế giới triển khai giám sát số lượng Tê tê được thả bằng công nghệ máy bay không người lái. Đây là kết quả sự hợp tác giữa Trung tâm với Công ty Wildlife Drones từ Australia và được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Dự án phòng, chống buôn bán trái phép các loài động, thực vật hoang dã.
Điều tuyệt vời hơn, là gần đây, Trung tâm SVW đã ghi nhận được nhiều bức ảnh Tê tê, đặc biệt các bức ảnh các cá thể Tê tê non mới sinh tại các địa điểm mà Trung tâm đã tái thả Tê tê Java. Đây là một tín hiệu vui mừng cho loài Tê tê ở Việt Nam. Anh Thái và Trung tâm SVW hi vọng, trong tương lai, công cuộc khôi phục các quần thể Tê tê ngoài tự nhiên sẽ thành công hơn nữa.