Bước chân vào căn nhà nhỏ đơn sơ chỉ có một gian của mẹ con chị Nguyễn Thị Mỹ ở thôn Quỳnh Phong 3, xã Sơn Hà, huyện Nho Quan mới thấy hết sự tần tảo, vất vả của người góa phụ này. Trong gian nhà nhỏ ấy dường như không có gì đáng giá nhưng lại ánh lên một nghị lực phi thường, một tình thương yêu bao la của một người mẹ. Và ở đó còn có cả sự hiếu thảo, chăm ngoan của những đứa con khi luôn cố gắng học tập thật tốt để mang tới niềm vui cho người mẹ của mình. Nói về hoàn cảnh gia đình chị, bà con xóm giềng ai cũng thương cảm và nể phục về nghị lực sống của chị. Lập gia đình với anh Đào Văn Giang, niềm hạnh phúc lớn nhất với gia đình chị là những đứa con lần lượt ra đời. Cuộc sống khi đấy cũng nhiều vất vả, đôi vợ chồng trẻ làm lụng sớm hôm vẫn không thoát được cảnh nghèo nhưng tổ ấm của anh chị vẫn luôn rộn tiếng cười vui vì những đứa con dường như thấu hiểu được sự vất vả của bố mẹ mà luôn chăm ngoan học giỏi.
Tuy nhiên niềm vui ngắn chẳng tày gang, năm 2008, anh Giang đột ngột qua đời để lại người vợ và hai đứa con thơ dại đang tuổi ăn, tuổi học. Mọi gánh nặng gia đình đổ lên đầu chị từ lo cơm áo gạo tiền, đến dạy dỗ các con sao cho nên người. Vất vả là thế nhưng chị Mỹ chưa bao giờ có ý nghĩ bắt các con nghỉ học, chị tâm sự: "Đối với tôi lúc này các con là niềm hi vọng lớn nhất, dù phải làm bất cứ việc gì tôi cũng cho các con ăn học đầy đủ. Đời tôi khổ nhiều rồi nên tôi muốn các con của mình học hành đến nơi đến chốn để sau này không phải khổ nữa".
Các con của chị Mỹ không phụ công nuôi dưỡng và tình yêu của người mẹ, cả hai đều đã thi đỗ vào những trường đại học công lập.
Người con gái đầu lòng là Đào Thu Hương hiện đang là sinh viên năm thứ 5, Khoa Răng - Hàm - Mặt, Đại học Y Hà Nội còn cậu con trai út là Đào Minh Đăng là tân sinh viên Đại học Công Nghiệp Hà Nội. Thương mẹ vất vả nên cả hai đều luôn chắt chiu từng đồng mẹ gửi, không dám tiêu pha quá đà. Hương ngoài việc học ở trường còn nhận làm gia sư để tăng thu nhập, giảm bớt gánh nặng cho mẹ. Còn Đăng mới đi học nhưng thương mẹ ở nhà vất vả và cô đơn một mình nên cứ được nghỉ là về quê thăm mẹ, phụ mẹ những công việc đồng áng mùa màng. Có lần Đăng đi học, chị Mỹ mua thịt làm ruốc cho con mang theo nhưng Đăng cũng chỉ cầm đi một nửa và nói rằng để một nửa cho mẹ ở nhà. Nghĩ lại lúc đó chị lại rơi nước mắt, những giọt nước mắt hạnh phúc và tự hào.
Đối với một gia đình bình thường ở nông thôn để nuôi hai đứa con học đại học cũng là một chuyện khó khăn thì đối với một người phụ nữ góa chồng như chị Mỹ điều ấy càng khó khăn gấp bội. Nguồn thu duy nhất là 3 sào ruộng, nuôi vài con lợn và thêm nghề nấu rượu, thu nhập một tháng chưa đến 3 triệu đồng nhưng phải chu cấp cho các con 4 đến 5 triệu đồng. Chị phải vay mượn khắp nơi từ anh em họ hàng đến ngân hàng và số nợ hiện tại đã lên đến hàng chục triệu đồng. Nhiều khi nằm một mình, những ý nghĩ cứ ngổn ngang trong đầu chị, vừa vui, tự hào khi các con chăm ngoan, học giỏi, nhưng chị lại lo nhiều hơn khi không biết có chu cấp đủ cho các con ăn học hay không. Và rồi chị lại quyết tâm dù phải bán tất cả những gì mình có cũng phải nuôi các con đi đến đích cuối cùng để thực hiện được ước mơ của mình và của các con.
Trước khi chia tay, tôi hỏi chị có mong muốn gì, chị cười và nói rằng còn mong muốn gì ngoài việc các con thành đạt, hạnh phúc và là người có ích cho xã hội.
Đàm Văn Nghị