Thiếu tá Lã Đình Nguyên là người con quê hương Gia Viễn giàu truyền thống lịch sử. Với ước mơ trở thành một người lính trong quân đội nhân dân Việt Nam, sau khi tốt nghiệp THPT, Thiếu tá Lã Đình Nguyên đã hăng hái tham gia nghĩa vụ quân sự và được giữ lại để đào tạo thành một cán bộ Bộ đội Biên phòng. Miệt mài, chăm chỉ học tập, rèn luyện, khi còn là một chiến sỹ, anh đã được cấp trên tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua.
Tốt nghiệp, được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng 104, Bộ Tham mưu BĐBP, nay là Đồn Biên phòng Kim Sơn, BĐBP tỉnh Ninh Bình. Bằng nghị lực, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự hăng say, sáng tạo, đồng chí Nguyên từng bước vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu để khẳng định mình.
Trên cương vị là một cán bộ vận động quần chúng, thực hiện đúng phương châm "3 bám, 4 cùng" (3 bám: bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách; 4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào), đồng chí Nguyên tích cực xuống địa bàn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo gắn với việc tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Không những là một cán bộ vận động quần chúng ưu tú trong lòng nhân dân, Thiếu tá Lã Đình Nguyên còn là một người thầy giáo "quân hàm xanh" của các em học sinh nghèo trên địa bàn khu vực biên giới biển. Khi Bộ Tư lệnh BĐBP phát động thực hiện chương trình "Nâng bước em đến trường" gắn với thực hiện cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ"; sau khi có kế hoạch chỉ đạo của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Ninh Bình, Thiếu tá Lã Đình Nguyên được Đảng ủy, chỉ huy đơn vị trực tiếp giao nhiệm vụ phụ trách phối hợp với chính quyền địa phương và các nhà trường tiến hành khảo sát, rà soát danh sách các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ít có điều kiện tiếp tục theo học.
Kết quả rà soát và lựa chọn được 2 em học sinh cần được đặc biệt quan tâm. Thiếu tá Lã Đình Nguyên đã báo cáo và tham mưu cho chỉ huy đơn vị thực hiện đỡ đầu, hỗ trợ cho 2 em, với mức hỗ trợ mỗi em 500.000 đồng/tháng.
Ngoài việc đỡ đầu, hỗ trợ bằng tiền, bản thân đồng chí Nguyên và thành viên trong đội công tác thường xuyên đến thăm hỏi, động viên gia đình, hướng dẫn các em trong học tập, sinh hoạt. Đều đặn vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần, Thiếu tá Lã Đình Nguyên trực tiếp đến tận gia đình để kiểm tra chất lượng học tập và chỉ bảo, hướng dẫn bài tập, tìm hiểu về năng khiếu, sở trường các môn học của các em. Sau hơn ba năm thực hiện, các em được đỡ đầu đều được nhà trường tuyên dương và trao tặng danh hiệu học sinh giỏi.
Còn phần thưởng dành cho người thầy giáo "quân hàm xanh" là Thiếu tá Lã Đình Nguyên được Chủ tịch nước tuyên dương trong chương trình "Chiến sĩ quân hàm xanh, nâng bước em tới trường" năm 2017 và được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên tặng Bằng khen.
Trong hơn 25 năm công tác, thiếu tá Nguyên đã được Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND tỉnh Ninh Bình và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Còn một điều rất đáng ghi nhận là đồng chí Nguyên luôn là người đi đầu, gương mẫu trong rèn luyện về tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, thực thi nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật và đặc biệt trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
"Trên bất kỳ cương vị nào, nhiệm vụ nào, đòi hỏi người cán bộ phải có tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, phải thực hiện đúng như lời Bác Hồ dạy "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm", phải nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, nắm và hiểu được luật pháp của Nhà nước để tham mưu sát, đúng tình hình thực tế, nhiệm vụ được giao". Đây chính là những yếu tố cốt lõi mà Thiếu tá Lã Đình Nguyên đúc rút trong quá trình công tác của mình.
Huy Hoàng