Những ngày cuối tháng chạp, không khí lạnh tràn về Miền Bắc báo hiệu một mùa xuân đang về. Đào, hoa và đồ trang trí Tết bày khắp nơi. Không khí tết đã len lỏi khắp phố phường, đường quê, ngõ xóm. Ở cách Việt Nam hơn 10.000 km, thủ đô Bangui đang giữa mùa khô. Khắp ngả đường chỉ có nắng nóng, bụi đỏ tung lên từng cuộn khi xe đi qua. Hai bên đường, lá cây phủ lớp bụi dày.
Những ngày Tết, các sĩ quan Việt Nam vẫn làm việc theo lịch của phái bộ nên tranh thủ đón Tết sớm. Sáng thứ bảy, các anh cùng nhau dọn nhà, đi chợ mua đồ để chuẩn bị làm cơm tất niên. Chợ là những gian hàng nối tiếp, trông giống các chợ ở làng quê ở Việt Nam. Thực phẩm hiếm. Có rau quả nhưng không nhiều loại.
Sau khi lùng khắp khu chợ, các anh mua được hai nải chuối xanh, một quả dứa và vài nguyên liệu để làm nem. Và đặc biệt, các anh đã mua được thịt lợn. Thứ thịt hiếm đến mức, sau gần 9 tháng đến Bangui, mới mua được. Lá dong là thứ cũng rất hiếm. Từ nhiều ngày trước đó, các anh đã phải đi tìm. Một lần gặp thì cuộn lá dong đã héo khô. Dự định lấy lá chuối để gói, may mắn cuối cùng cũng tìm được 4 bó lá dong rừng.
Gói bánh chưng ngày tết trên đất nước Trung Phi xa xôi.
Để làm bát hương, Sơn cắt tờ giấy A4 đã in hình "song long chầu nguyệt" và dán quanh hộp nhựa. Khuôn bánh chưng được Sơn cắt từ bìa cacton, ghép lại. Đó là cái khuôn đặc biệt nhất từ trước đến nay trong nhiều năm gói bánh chưng của anh.
Từ quả dứa và chuối xanh mua ở chợ, thêm mấy quả khế xin ở khu trọ của sĩ quan cùng Phái bộ, đu đủ xin nhà hàng xóm và lấy chanh thay quất, các anh đã xếp được một mâm ngũ quả đẹp mắt.
Chiều hôm đó, bốn học trò của Sơn đã sang nơi các anh thuê trọ để cùng gói bánh chưng Việt Nam. Trên chiếc bạt quân nhu trải ở góc sân, các trò chia nhau lau, gấp, cắt lá và tháo cỏ buộc từ bó rau dền, nối dài để làm lạt.
Gạo nếp và đậu xanh các anh mang sang Trung Phi từ lần về phép tháng 10. Mua được thịt lợn và lá dong, thầy trò đã có đủ nguyên liệu và dụng cụ để gói bánh.
Lần đầu tiên, lũ trẻ biết đến loại bánh đặc biệt làm từ gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, hành. Các trò vui mừng khi nhìn thấy chiếc bánh to và vuông như thế.
Chị Annie, phụ huynh học sinh, cũng sang xem thầy trò gói bánh. Ấn tượng với món bánh chưng Việt Nam, chị liên tục chụp hình.
Sau gần 2 tiếng, thầy trò đã cho "ra lò" 7 cái bánh chưng. Trò vui sướng kéo thầy và mẹ vào chụp ảnh cùng thành quả lao động.
Mâm cơm cúng tất niên là thủ tục không thể thiếu của những người lính-người con đất Việt.
Xếp bánh vào chiếc nồi to chị Annie cho mượn, mua mấy túi than củi, thầy trò nổi lửa trong một cái bếp nhỏ ở góc sân. Bánh chưng Việt Nam được luộc trong tiết trời nắng nóng gần 40 độ của Trung Phi. Bốn đứa trẻ quây quần xem thầy luộc bánh, mồ hôi nhễ nhại. Thi thoảng, các em đưa tay quệt ngang mặt để ngăn mồ hôi không chảy vào mắt. Angelina hỏi thầy khi nào thì bánh chín? Thầy giải thích với cô bé, rằng loại bánh này phải luộc lâu mới ăn được.
Luộc gần 10 tiếng, bánh được vớt ra, rửa sạch và "ép thủy lực". Có lẽ "công nghệ" ép đặc biệt này chỉ có ở Trung Phi! Khuôn bìa cacton, lạt là loại cỏ dễ đứt, dù lồng 2 sợi vẫn không thể gói chặt tay. Tuy vậy, bánh chưng vẫn vuông vức.
Mua được con gà trống chừng 8-9 lạng từ hàng xóm, Sơn mổ moi và luộc, tạo thành tư thế chắp cánh chầu, theo đúng quan niệm dân gian về gà cúng. Trên chiếc bàn phủ bạt quân nhu bày bánh chưng, gà luộc, xôi đỗ, nem rán. Lật ngược 2 hộp cơm kê xuống dưới, đặt "bát hương" lên trên cùng, các anh đã có bát hương với đế 2 tầng. Câu đối chúc Tết, cành đào 3D và dải hoa mai được mua từ Việt Nam. Ảnh Bác Hồ được lấy từ mạng internet và in màu trên khổ giấy A4.
Trưa chủ nhật, dự tất niên với các sĩ quan có mẹ con chị Annie, gia đình bà Luyến - người phụ nữ Việt Nam duy nhất ở Bangui và cô Laura. Cô là người Mauritius, từng làm việc cho Chương trình lương thực thế giới tại Việt Nam từ năm 1990-2001. Trung tá Sơn giới thiệu về truyền thống Tết, ý nghĩa của các đồ trang trí và các món ăn ngày Tết.
Trước bàn thờ, bà Luyến lặng người, rơm rớm nước mắt. Thắp nén hương, bà lầm bầm khấn cho tổ tiên ở Việt Nam, những người mà bà không còn nhớ rõ. Bà chúc cho đồng bào ở quê hương ăn một cái Tết vui vầy, hạnh phúc. "Tôi từng nghĩ cho đến khi qua đời có lẽ cũng không còn được chứng kiến cái không khí Tết cổ truyền của Việt Nam", bà nói một câu nửa tiếng Việt, nửa tiếng Pháp. Theo chồng sang Trung Phi gần 70 năm, cô gái Hà Nội năm nào đã không còn nhớ rõ mùi vị của bánh chưng, nhìn ngắm một cành đào.
Trong căn phòng gần 20m2, bộ đội Việt Nam cùng bà Luyến (người Việt Nam xa xứ) và người dân Trung Phi, có cái Tết đầm ấm tại Thủ đô Bangui. "Tết với người Việt, dù ở khắp năm châu có lẽ luôn là dịp đặc biệt. Tết đã về trên quê hương Việt Nam, mong rằng mùa xuân mới mang đến hòa bình cùng những điều tốt lành đến khắp muôn nơi", Trung tá Sơn chia sẻ.
Bài, ảnh: Phương Mai