Cái duyên dạy họcTháng 4/2017, Trung tá Lê Ngọc Sơn được Chủ tịch nước ra quyết định cử sang làm nhiệm vụ ở Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi cùng với hai đại úy Hồ Tiến Hưng và Đinh Đức Long. Các anh thuê nhà trọ cách Trụ sở Phái bộ vài km. Khi rảnh, Trung tá Sơn thường sang trò chuyện, chơi với đứa con hơn một tuổi của gia đình hàng xóm và thi thoảng giúp họ bổ củi bán.
Một buổi trưa tháng 4, anh gặp hai mẹ con chị Annie đến mua củi. Thấy bó củi nặng, anh đề nghị vác giúp về nhà họ ở cách đó hơn nửa cây số. Trên đường đi, khi biết các anh đang tìm đất trồng rau, chị Annie ngỏ ý cho các anh đến trồng rau trong khu vườn của gia đình. Đến đó làm đất trồng rau, Sơn gặp ba đứa con của chị Annie là Choula, Emmanuel và Angelina. Choula 15 tuổi, mới học tương đương lớp 7 ở Việt Nam. Cô bé từng phải ở nhà hai năm vì nội chiến, bạo lực, xung đột sắc tộc làm đứt quãng con đường đến trường. Thấy thế, Trung tá Sơn đề nghị kèm môn Toán cho Choula.
Những buổi đầu, Choula không biết làm phép tính cộng, trừ, nhân, chia hai số nguyên trái dấu, không hiểu cách thực hiện phép toán có cả nhân chia và cộng trừ. Sơn phải bắt đầu với kiến thức đơn giản nhất, từ cộng trừ hai số tự nhiên có một chữ số, rồi nâng dần lên...
Mỗi khi giảng bài, ngoài tiếng Anh và vốn tiếng Pháp tự học, Sơn phải dùng cả hành động để diễn đạt. Dù vậy, Choula vẫn hiểu bài và có thể làm các phép tính. Em còn dạy tiếng Pháp và tiếng Sango cho thầy giáo.
Choula, 15 tuổi, học sinh đầu tiên của thầy Sơn.
Choula hiểu bài, nên cô bé rất vui. Được gần một tháng, Choula xin phép thầy cho Benita ở cách đó hơn 1km đến học cùng. Cô bé đang học lớp 8, cũng phải ở nhà một năm. Ít ngày sau, Emmanuel và Angelina cũng nhờ thầy kèm Toán. Lớp học hình thành ở một góc sân với một chiếc bàn và 5 chiếc ghế quây quanh, một thầy giáo người Việt Nam và bốn học trò Trung Phi tuổi khác nhau từ 7 đến 15. Cả bốn học trò đều không có sách giáo khoa, thiếu vở viết. Phụ huynh ba lần đi tìm mua nhưng sách vở đều khan hiếm.
Hàng ngày hơn 17h, xe bus của Phái bộ MINUSCA đưa các sĩ quan rời nhiệm sở, về khu trọ sau ngày làm việc. Đến trước một ngõ nhỏ ở Phường 3, Quận 3 của Thủ đô Bangui, xe dừng lại. Trung tá Sơn xuống xe và bước nhanh vào trong ngõ. Trong sân, 4 đứa trẻ đã xếp bàn ghế, bày giấy bút chuẩn bị học bài. Trung Phi rất nhiều muỗi và có thể mang mầm bệnh sốt rét rất nguy hiểm. Không có điện, muỗi vo ve cả dưới chân lẫn trên đầu, nhưng lũ trẻ vẫn say sưa học bài. Buổi học kết thúc khi bóng tối bao trùm, lũ trẻ không trông thấy rõ mặt chữ. Trung tá Sơn rời lớp học đi bộ về khu trọ cách đó gần một km.
Hai tháng kiên trì, lũ trẻ biết làm những phép tính từ đơn giản đến khó hơn. Sau 6 tháng, nhiều đồng nghiệp quốc tế đã biết về "lớp học", họ gọi Sơn bằng cái tên thân mật "thầy giáo".
"Xóa mù" thành công cho nhiều trẻ em Trung Phi từ tâm huyết của người thầy
Bất đồng ngôn ngữ là một rào cản lớn. Thầy Sơn có thể dạy các phép toán bằng vốn tiếng Pháp ít ỏi học được từ học trò, nhưng rất khó diễn giải để các trò hiểu được những định hướng tư duy trong học tập. Thấy trẻ em Trung Phi gặp nhiều khó khăn trong học tập, anh Sơn mong muốn hỗ trợ được nhiều trẻ em. Trong buổi giao ban với sự tham gia của hơn 60 sĩ quan, dưới sự chủ trì của Trung tướng Balla Keita - Tư lệnh Phái bộ, Trung tá Sơn đã trình bày ý tưởng về việc mở lớp học với nhiều học sinh. Mọi người đều ủng hộ. Tư lệnh đánh giá cao việc làm ý nghĩa của anh và chỉ đạo các Phòng Ban phối hợp tìm phương án mở lớp. Nhưng sau hơn 2 tuần làm việc, cơ quan chức năng báo cáo không thể mở được lớp học như thế.
Không bỏ cuộc, Trung tá Sơn đã liên hệ với nhiều tổ chức quốc tế, làm việc với các tổ chức nhân đạo. Khi anh Sơn làm việc với Tổ chức phi chính phủ (NGO) và Quỹ hỗ trợ trẻ em của Liên hợp quốc (UNICEF), họ đồng ý xây dựng một dự án nhỏ, mở các lớp học Toán cuối tuần tại Trung tâm Don Bosco cho trẻ em. Đây là Trung tâm hỗ trợ trẻ em đường phố, nằm cách khu trọ của các sĩ quan Việt Nam chừng 17km. Thứ 7 và Chủ Nhật, Sơn dạy cho học sinh của 4 lớp học từ lớp 3 đến lớp 10.
Niềm vui của người thầy là khi các học trò khác màu da, quốc tịch hăng hái giơ tay mỗi khi thầy hỏi bài.
Ngoài ra, Trung tá Sơn liên hệ được với một trường học tại Quận 2, cách khu trọ khoảng 3km. Mỗi buổi sáng, trước giờ làm việc của Phái bộ, Sơn dạy 1 tiết Toán cho hơn 30 học sinh tuổi từ 8 đến 14. Các học sinh đang học tiếng Pháp và Toán để chuẩn bị kiến thức cần thiết trước khi vào cấp 1.
Không có cảm giác xa cách với một thầy giáo khác màu da, mang trên mình bộ quân phục, các học trò hào hứng mỗi khi thầy đến lớp, hăng hái giơ tay khi thày hỏi bài. Khó khăn lớn nhất là tìm phiên dịch. Nhưng anh đã có 5 phiên dịch khi đến làm việc với Đại học Bangui, Trường Đại học duy nhất của Trung Phi. Nhà trường cảm kích trước việc làm của Sơn dành cho trẻ em Trung Phi, nên họ đã tìm cho Sơn 5 sinh viên giỏi tiếng Anh nhất để hỗ trợ lớp học. Có phiên dịch, việc dạy học hiệu quả hơn.
"Khi hai chữ VIET NAM được viết trên bảng của một trường học tại Trung Phi và các học trò đồng thanh phát âm hai chữ này, tôi cảm nhận rõ dòng máu dân tộc đang cuộn chảy trong mình", Trung tá Sơn xúc động chia sẻ.
Mỗi tiết học, ngoài việc dạy Toán, anh Sơn còn làm cho các con xem một số thí nghiệm Vật Lý và Hóa Học. Dụng cụ thí nghiệm thầy giáo nhận được từ Viện nghiên cứu Pasteur khi anh đến đó nhờ giúp đỡ. Có lần học trò vỗ tay không ngừng khi xem anh thực hiện thí nghiệm nhét quả trứng luộc vào trong chai khi miệng chai nhỏ hơn nhiều so với quả trứng. Học trò kinh ngạc khi thầy giáo chỉ dùng một túi ni-lông nhỏ để mang 30 vỏ chai lavie loại 1,5 lít. Anh cũng dạy học sinh các kỹ năng sống, kỹ năng làm bài thi, truyền tinh thần lạc quan, tự tin, dám đối diện và vượt qua khó khăn để trưởng thành...
Dù chỉ đồng hành cùng các học trò trong khoảng thời gian làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi, nhưng người lính Ninh Bình luôn tin tưởng với nỗ lực và tâm huyết của mình, các học trò ở đất nước Trung Phi xa xôi sẽ có thêm kiến thức, có cơ hội để hiện thực hóa ước mơ về học vấn, để phấn đấu có một tương lai tươi sáng hơn.
Bài, ảnh: Phương Mai