Làm nghề thợ mộc cho 1 cơ sở sản xuất kinh doanh đồ gỗ tại làng nghề Phúc Lộc, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) hơn 20 năm qua, anh Vũ Văn Vương, thôn Phúc Lộc cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua, công việc và thu nhập của người dân làng nghề rất bấp bênh. Những ngày sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, hàng tháng trời, người lao động không có việc làm do quá ít các đơn hàng. Đặc biệt là những ngày hè tháng 5, tháng 6 hiện nay, cùng với tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19, kèm theo nắng nóng kỷ lục, càng ảnh hưởng đến việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm của làng nghề. Thu nhập của người lao động hiện nay rất thấp, mỗi tháng chỉ được khoảng vài triệu đồng, giảm hơn một nửa so với thời gian trước.
Anh Vũ Văn Doanh, chủ một cơ sở sản xuất nghề mộc đã có hơn 20 năm làm nghề cho biết, làng nghề mộc Phúc Lộc hiện gặp khá nhiều khó khăn, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phải hoạt động cầm chừng. Những năm trước, dịp giáp Tết Nguyên đán hàng năm thường là thời điểm làng nghề mộc "phất" nhất, các đơn hàng ồ ạt, thường làm không hết việc, nhưng năm vừa qua cũng không có nhiều đơn hàng như trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mộc không nhận được đơn hàng, sản xuất ra thì lo không tiêu thụ được, nên nhiều cơ sở sản xuất cầm chừng. Cùng với khó khăn do dịch bệnh, nắng nóng những ngày hè cũng ảnh hưởng đến công việc của người lao động, bởi hầu hết phải làm việc trong môi trường nóng bức, ô nhiễm, sử dụng quạt công nghiệp tốc độ cao, nên mệt mỏi, công suất làm việc giảm đáng kể.
Cùng chung tình cảnh chịu ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, nhiều cơ sở sản xuất tại làng nghề thêu Văn Lâm, xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) cũng đang phải hoạt động cầm chừng do việc kinh doanh dịch vụ du lịch hầu như không có, lượng khách đến xem và đặt mua sản phẩm thêu ren rất ít. Trong khi, công việc làm hàng thêu ren thường làm tập trung, theo nhóm, đòi hỏi công tác phòng chống dịch bệnh phải được thực hiện nghiêm túc, theo quy định. Chị Trần Thị Mai, thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải cho biết, chúng tôi ý thức được việc hạn chế giao tiếp trong giờ làm việc, đeo khẩu trang đầy đủ, không đi ra ngoài tỉnh, không tiếp đón trực tiếp các đối tác, bạn hàng ở các vùng dịch..., chung tay đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm.
Nghệ nhân Vũ Thị Hồng Yến, Phó Giám đốc Công ty TNHH thêu Minh Trang, xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) cho biết, tại khu trưng bày kinh doanh các sản phẩm thêu truyền thống của doanh nghiệp, công tác phòng dịch được thực hiện nghiêm túc. Tuy lượng khách đến xem không nhiều, nhưng doanh nghiệp vẫn yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy định 5K. Đồng thời, các gian hàng được bố trí, sắp xếp gọn gàng, thực hiện các giao dịch bằng hình thức online, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp và đi lại, giao dịch với nhiều người... Tại các phân xưởng làm việc, những người thợ cũng ý thức rõ việc cần thiết phải phòng dịch cho mình và mọi người, tích cực sản xuất, chờ dịch bệnh qua đi. Các đơn hàng đã ký kết với đối tác nước ngoài vẫn được doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ, đảm bảo chất lượng và thời gian theo đúng tiến độ, yêu cầu, tiếp tục quảng bá, bảo tồn và gìn giữ các sản phẩm thêu ren truyền thống của địa phương.
Những ngày này, nhiệt độ ngoài trời luôn vào khoảng trên dưới 40 độ C, nắng nóng đến rát mặt, bốc hỏa, nên những người lao động làng nghề đá Ninh Vân (huyện Hoa Lư) càng cực nhọc hơn. Đặc thù của nghề đá thường làm việc ngoài trời, trong khi công việc bụi bẩn, nặng nhọc, nhiều tiếng ồn. Anh Đinh Văn Thành, lao động có gần 30 năm theo nghề truyền thống ông cha tại làng nghề đã chia sẻ: Đây là nghề khó nhọc, trực tiếp làm ngoài trời, dưới thời tiết nắng nóng, nên rất dễ mất sức. Gần 1 tuần nay, thời tiết nắng nóng quá, nên chúng tôi làm việc không thể hết công suất, đi làm sớm và nghỉ sớm, trong quá trình làm thường xuyên phải tạm nghỉ để tiếp nước và lấy sức.
Theo anh Nguyễn Văn Thành, Công ty TNHH Thụy Thành, xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư), sản xuất các mặt hàng đá công trình và đá mỹ nghệ trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tự vượt khó vươn lên, duy trì và gìn giữ nghề truyền thống, đảm bảo đời sống cho người lao động. Tại các doanh nghiệp và mỗi lao động, thay vì dừng sản xuất, những nghệ nhân, người thợ không ngơi nghỉ, lại chăm chỉ, chi tiết, cầu kỳ hơn trong chế tác các sản phẩm đá mỹ nghệ, phục vụ nhu cầu và đời sống người dân. Qua đó có thêm những sản phẩm giàu tính thẩm mĩ, phục vụ đời sống tâm linh của người Việt, như hòn non bộ, tranh đá, biểu tượng hình con vật, tượng người... tạo tiếng vang xa, thương hiệu cho nghề truyền thống đã có gần 400 năm nay.
Theo số liệu của ngành Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 75 làng nghề được công nhận, tạo việc làm thường xuyên cho gần 27 nghìn người dân các địa phương. Các làng nghề thường tạo việc làm cho nhiều lao động, hoạt động theo tổ, nhóm, tập trung tại cùng một địa điểm, khu vực, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu xuất hiện dịch. Do vậy, để vừa vượt khó sản xuất trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, các làng nghề cũng đề cao các biện pháp phòng bệnh. Cùng với tuyên truyền cho người lao động thực hiện nghiêm quy định 5k của Bộ Y tế, các doanh nghiệp cũng hạn chế giao dịch, mua bán sản phẩm, hàng hóa với đối tác vùng dịch, thận trọng cao nhất để không lây lan dịch bệnh, góp phần thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Bài, ảnh: Đức Bá