Và để có một bài viết đúng, trúng, có chất lượng thì người làm báo phải không ngừng học tập, tu dưỡng, trau dồi kiến thức, đặc biệt phải có kinh nghiệm và kiến thức thực tế để cho ra đời một tác phẩm "đọc được".
Thời gian làm báo chưa nhiều, nhưng qua thực tế của bản thân và qua tâm sự của những đồng nghiệp, tôi rút ra một điều: Đã viết báo là phải đi để có thực tế, có điều kiện để khai thác những chi tiết đời thường, sinh động. Muốn trở thành nhà báo có những bài viết chất lượng trước tiên cần phải biết ghi chép, ghi chép nhiều, thu nhặt mọi thông tin để không bao giờ là thừa. Và để viết được một bài hay, một phóng sự có vấn đề thì không chỉ ghi chép mà cần phải có vốn sống, sự trải nghiệm. Chỉ ghi chép thôi thì chưa đủ, phải chân đi, mắt thấy, tay nghe, óc nghĩ. Có khi khai thác được 5 chi tiết thì chỉ chọn khoảng 3 chi tiết "đắt" để đưa vào bài viết, những chi tiết còn lại dùng để làm tư liệu cho những bài viết sau. Và điều quan trọng nhất khi viết báo là phải cẩn trọng và có trách nhiệm với sản phẩm của mình.
Thực tế cho thấy, phóng viên giỏi phải là người đi tận nơi, tới tận chốn, chấp nhận vất vả, khổ cực để đem đến cho độc giả những bài báo chân thật, gai góc chứ không chỉ ngồi một chỗ với những câu chữ trơn tru và bóng bẩy. Nghề làm báo là viết, nhưng muốn viết thì trước tiên phải đọc, đọc rất nhiều. Đọc để hiểu biết và tích lũy kiến thức ứng phó với mọi tình huống. Những nhà báo trẻ càng cần phải đọc, cần phải trau dồi kiến thức nhiều hơn. Và khi đọc, thiết thực nhất là những tài liệu mang tính chất chuyên môn, nghiệp vụ, ngoài ra là những kiến thức về ngành, về những lĩnh vực mà mình quan tâm, theo dõi. Thực tế hiện nay cho thấy, các nhà báo trẻ năng động, sáng tạo nhưng thời buổi cơ chế thị trường đã tạo cho con người khác đi, làm báo ít nhiều mang tính thực dụng nhưng điều quan trọng nhất thời nào cũng cần phải có lương tâm nghề nghiệp và tính trung thực.
Cũng phải nói thêm một điều, để các nhà báo có thêm sự tự tin, xông pha vào những nơi khó khăn, tuyên truyền về những tiêu cực thì người đầu tầu - những đồng chí lãnh đạo cao nhất của Báo cũng phải là người cùng "chiến tuyến", bảo vệ phóng viên, bảo vệ cái đúng. Đứng về phía phóng viên, gần gũi, chia sẻ và với trách nhiệm, sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo sẽ là nguồn động viên cho các phóng viên mạnh dạn vào cuộc ở những điểm "nóng" để có những bài viết hay, chân thực.
Nghề báo được coi là nghề nguy hiểm, tai nạn nghề nghiệp rất dễ xảy ra...
Thời gian làm việc của nhà báo không thể tính bằng giờ hành chính, mà ở đâu có vấn đề, có sự việc cần tuyên truyền là ở đó có mặt của nhà báo. Để các nhà báo có điều kiện thể hiện hết khả năng của mình, điều cần thiết và quan trọng là thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, các cuộc tọa đàm, trao đổi… tạo điều kiện cho các nhà báo được giao lưu, học hỏi, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, không ngừng khẳng định vai trò của nhà báo trong sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước.
Mỹ Hạnh