Tâm sự với chúng tôi về biệt danh "đáng nhớ" này, Đạt chỉ cười và nói rằng, mọi người cũng có lý bởi với anh những ngày đi xuống cơ sở để thực hiện đề tài là thời gian vừa hướng dẫn người dân làm theo phương thức sản xuất mới, vừa là học hỏi những kinh nghiệm sản xuất của họ để gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, tạo cho đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao.
Tốt nghiệp Đại học Vinh chuyên ngành nuôi trồng thủy sản năm 1997, chàng trai này đã gắn cuộc đời mình với người nông dân từ lúc đó với việc tham gia những nghiên cứu, những đề tài khoa học đậm chất "nông dân" như: Nuôi tôm sú bán thâm canh, nuôi cá rô phi đơn tính, nuôi tôm càng xanh xen lúa...
Nhanh nhẹn, thông minh, năng động - đó là những điều chúng tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với chàng trai trẻ này. Những kiến thức từ giảng đường đại học đã được Đạt áp dụng vào trong những công trình nghiên cứu khoa học với một niềm đam mê sáng tạo, đam mê được cống hiến trí tuệ, tuổi trẻ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Với Đạt, niềm vui của người nông dân khi mỗi đề tài nghiên cứu được triển khai thành công trong thực tiễn là niềm vui, là động lực rất lớn để anh bước tiếp trên con đường nghiên cứu khoa học. Gần đây nhất, Đạt đã có một sáng kiến khoa học cấp tỉnh được đánh giá cao là "Bổ sung thức ăn chế biến để nuôi cá trắm cỏ lồng, rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế lồng nuôi".
Nói về sáng kiến khoa học này, Đạt cho biết đã nằm vùng ở Gia Viễn và Nho Quan rất nhiều ngày để nghiên cứu thực trạng công thức canh tác cũ để có những hướng đi mới mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân nơi đây. Sau gần 2 năm miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm, Đạt đã thành công với phương thức sản xuất mới, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Sáng kiến này đã tạo bước đột phá, thay đổi tập quán sản xuất cũ, góp phần giảm bớt khó khăn cho nghề nuôi cá trắm cỏ lồng do khan hiếm nguồn thức ăn xanh tại chỗ và duy trì nghề nuôi cá lồng trên địa bàn toàn tỉnh. Sáng kiến đã giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động ven sông có mức thu nhập khá, khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng về mặt nước, lao động..., góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản.
Từ thành công của mô hình tại Nho Quan, Gia Viễn, hiện nay đã có nhiều hộ dân trong vùng lân cận vận dụng vào sản xuất, bước đầu đem lại thu nhập ổn định. Đây cũng là sáng kiến do anh một mình làm chủ đề tài và đã thành công.
Nói với chúng tôi về những dự định trong tương lai, Đạt tâm sự có thể học lên cao hơn nhưng cái đích cuối cũng vẫn là ước muốn được gắn bó hơn nữa với đồng ruộng, với bà con nông dân để tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê của mình, có nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật có thể áp dụng trong thực tiễn cuộc sống.
Không chỉ hết mình với công việc mà với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Đạt luôn xung kích trong các phong trào Đoàn của Chi cục, của Sở. Nguyễn Quang Đạt là một trong những đại diện tiêu biểu của tuổi trẻ Khối cơ quan tỉnh trong ngày tôn vinh những thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.
Nguyễn Khánh