Năm 2008, anh Phạm Văn Vang (làng Bạch Liên, Yên Thành, Yên Mô) là người đầu tiên đã mang sản phẩm gốm Bồ Bát đến giới thiệu tại triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội. Rất nhiều người đã bất ngờ khi biết được chủ nhân của "thương hiệu" ấy, người đang nỗ lực khôi phục lại nghề gốm Bồ Bát là một "nghệ nhân" mới 28 tuổi.
Trăn trở với câu hỏi chọn hướng đi nào cho nghề gốm trong khi hầu hết các làng gốm trong nước đều đang sản xuất đồ gốm sứ gia dụng, anh Vang quyết định đi theo con đường riêng, anh mở xưởng làm đồ gốm trang sức, tranh gốm mỹ thuật tại gia đình. Đó là kết quả sau quá trình tìm hiểu kinh nghiệm từ những "nghệ nhân" của làng và học hỏi kỹ thuật từ những làng gốm nổi tiếng khác.
Những sản phẩm gốm anh làm ra giản dị, chân chất nhưng mang đậm nét truyền thống. Trên cơ sở hai dòng gốm sành nâu và gốm sứ trắng, các nghệ nhân đã sáng tạo ra những sản phẩm đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, chuông gió, dây lưng; tranh gốm mỹ nghệ và tượng gốm nghệ thuật, được trang trí bằng những họa tiết thổ cẩm, hoa văn chủ yếu là vẽ bằng men màu.
Nét độc đáo và ấn tượng nhất ở những sản phẩm này là mảng tranh gốm ghép dựa trên nền một số dòng tranh nổi tiếng như tranh Đông Hồ, với những nét văn hóa vùng miền trong cả nước. Sản phẩm được bán với giá bình dân, vì vậy việc tiếp cận với khách hàng ngày càng được mở rộng.
Hiện nay, mỗi tháng anh xuất xưởng trên 2 vạn sản phẩm, tạo việc làm cho 17 lao động thường xuyên và 10 lao động lúc nông nhàn, với mức lương bình quân từ 1 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc tạo thêm thu nhập cho số lao động nông nhàn, anh Vang cho rằng đây là một việc làm ý nghĩa, thiết thực để lưu giữ, phát triển nét đẹp truyền thống văn hóa của quê hương.
Vào thời điểm năm 2005, sản phẩm gốm của anh Vang chỉ mới được tiêu thụ ở thị trường trong nước thì nay đã đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của các khách hàng khó tính trên thế giới như: Nhật, Mỹ, Thái Lan… Đặc biệt năm 2008, gốm Bồ Bát vinh dự có một gian hàng tại hội chợ triển lãm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và được Trung ương Hội Nông dân trao tặng huy chương vàng, nhiều năm liền anh Vang cũng được tỉnh tuyên dương là thanh niên làm kinh tế giỏi.
Nếu như trước đây, người ta chỉ biết đến sản phẩm gốm Bát Tràng, Hương Canh ở Vĩnh Phúc, Luy Lâu ở Bắc Ninh… thì từ một vài năm gần đây tại các buổi triển lãm về văn hóa, hay trưng bày các sản phẩm truyền thống trong nước về mặt hàng gốm, người ta đã bắt đầu quan tâm và ghi nhận những giá trị của sản phẩm gốm Bồ Bát.
Tuy vậy, trong quá trình khôi phục nghề gốm truyền thống Bồ Bát, anh Vang vẫn còn trăn trở: "Nếu chỉ dựa vào nỗ lực của từng cá nhân thì sẽ khó có thể giải quyết một số bất cập, như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình, tiếp cận nguồn vốn vay, mặt bằng sản xuất chưa tương xứng… Thời gian tới, gốm Bồ Bát rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền về thủ tục giấy tờ vay vốn và mở rộng thêm thị trường tiêu thụ".
Duy Hiền