Rất nhiều người mê Đúm đã ao ước có một phép màu để những mùa hội Đúm "hồi sinh", để những làn điệu Đúm thoát được nguy cơ thất truyền trước công nghệ giải trí hiện đại. Vì vậy mà vừa qua, việc bà Bùi Thị Năm, thôn Đồng Trung cùng nhiều người yêu nghệ thuật xã Quảng Lạc (huyện Nho Quan) tổ chức một buổi hát Đúm đã trở thành một sự kiện văn hóa bất ngờ thu hút sự chú ý của nhiều người dân trong và ngoài xã Quảng Lạc.
Bà Bùi Thị Năm, năm nay 60 tuổi, là một cựu giáo chức người Mường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa Mường xã Quảng Lạc. Ngay từ hồi trẻ bà đã say mê những làn điệu Đúm. Trong ký ức thanh xuân của bà từng ghi dấu nhiều mùa hội Đúm. Chính vì vậy mà sau này chứng kiến sự mai một của nghệ thuật hát Đúm, bà Năm đã nung nấu trong mình một quyết tâm khôi phục lại vị thế của nghệ thuật hát Đúm trong sinh hoạt văn hóa người Mường xã Quảng Lạc.
Năm 2016, sau khi nghỉ hưu, bà Năm đã gắng sức tìm mọi cách phục hồi phong trào hát Đúm. Theo bà Bùi Thị Năm, câu lạc bộ văn hóa Mường xã Quảng Lạc hiện có 40 thành viên, trong đó có 16 người thông thạo các điệu Đúm.
Nhiều thành viên đã gắn bó với câu lạc bộ ngay từ những ngày đầu thành lập như các ông, bà: Bùi Văn Hải (Quảng Cư), Bùi Văn Sơn (Đồng Bài), Bùi Văn Linh (Đồng Trung), Quách Thị Dung (Đồng Trung), Bùi Thị Điệu (Quảng Cư)... Trong đó bà Bùi Thị Năm thường xuyên tổ chức cho các thành viên CLB đi giao lưu, thi hát với nhiều hội Đúm các xứ Mường của Thanh Hóa, Hòa Bình... Thông qua các cuộc giao lưu, các thành viên CLB văn hóa Mường xã Quảng Lạc đã thiết lập được các liên hệ về văn hóa với nhiều cộng đồng Mường khác, giữ cho dòng chảy văn hóa Mường được duy trì.
Hát Đúm là loại hình hát hội, hát đối đặc trưng của người Mường. Đây là loại hát giao duyên (tương tự như như hát Quan họ của người Kinh Bắc, hát Ví dặm của người Nghệ Tĩnh, hát Si, hát Lượn của người Tày, Nùng)... Lời bài hát do người hát tự đặt hay vận dụng từ vốn kho tàng dân ca của dân tộc mình. Nội dung các điệu hát Đúm khá phong phú, từ chuyện chào hỏi, tình duyên, mùa màng, phong tục tập quán, quê hương, đến ca ngợi cảnh sắc quê hương, đất nước...
Hình thức hát Đúm thường là hát đối đáp giữa hai bên, lời hát thường có vần vè hay có thể rất tự do. Qua việc đối đáp giữa đôi bên, người hát phô diễn được khả năng ứng xử nhanh nhẹn, vốn hiểu biết phong phú. Hoặc qua lời hát, đôi bên trai gái có thể ướm lời, thử lòng nhau.... Đây cũng chính là lý do khiến hát Đúm được nhiều thế hệ người Mường yêu thích. Thuở xa xưa, mùa hội Đúm cũng chính là mùa trai gái bản Mường kết bạn, se duyên.
Hát Đúm không chỉ là một sinh hoạt văn nghệ mà trở thành một phần cuộc đời của mỗi người dân. Chính bà Bùi Thị Năm, khi mới 22 tuổi, cũng từ mùa hội Đúm mà nên duyên với người chồng của mình.
Về căn bản, hát Đúm thường không có thể điệu cố định mà chủ yếu thiên về khả năng sáng tạo, ứng đối dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc truyền dạy. Do vậy, việc tổ chức buổi hát Đúm ở thôn Đồng Trung vừa qua có một ý nghĩa đặc biệt.
Nhiều người tham gia buổi hát Đúm cho biết, mùa hội Đúm gần nhất mà người dân Đồng Trung được tham gia cũng cách nay mấy chục năm, nay được xem lại có ý nghĩa gợi cảm hứng rất tốt. Sự kiện có sức ảnh hưởng lớn hơn với cộng đồng khi có sự tham gia của rất nhiều phường Đúm đến từ Hà Trung, Thạch Thành (Thanh Hóa), Lạc Thủy, Yên Thủy ( Hòa Bình), các xã Cúc Phương, Kỳ Phú...
Nhiều người dân Mường dự hội Đúm tại thôn Đồng Trung cảm nhận cho dù trong suốt một khoảng thời gian dài hát Đúm bị lấn lướt bởi nhiều phương tiện giải trí hiện đại, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn người dân Quảng Lạc, vẫn hiện hữu một dòng chảy văn hóa mà hát Đúm chính là hiện thân, là linh hồn của văn hóa Mường. Điều đó lý giải vì sao dù vắng bóng một thời gian khá dài trong sinh hoạt của người dân Quảng Lạc, nhưng khi hát Đúm được nhen nhóm trở lại, nhiều người dân đã hào hứng tham gia.
Anh Bùi Huy Du, Công chức văn hóa xã Quảng Lạc cho biết: "Tuy hội Đúm vừa qua do người dân Đồng Trung tự tổ chức, nhưng hoạt động này phù hợp với nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân và có ý nghĩa trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Mường, nên được xã hết sức quan tâm. Qua việc các thành viên CLB văn hóa Mường tổ chức hội Đúm, hy vọng sinh hoạt văn hóa này sớm được khôi phục lại và hoạt động thường xuyên, tránh nguy cơ mai một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này".
Mai Văn Phương