Bà Nguyễn Thị Cán năm nay 64 tuổi, sống tại thôn Thiện Hối, xã Gia Tân. Lý do đưa bà đến với môn Tâm năng dưỡng sinh cũng hết sức ngẫu nhiên. Vào năm 1995 bà Cán bị mắc đồng thời một số căn bệnh: thần kinh tọa, đau đầu mất ngủ kéo dài, viêm đáy mắt, u nang buồng trứng. Bà Cán đã chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi, thậm chí sức khỏe ngày càng suy yếu và không thể lao động được. "Có bệnh thì vái tứ phương" nên thời gian này thấy ai mách ở đâu có người chữa bệnh là bà đều đến thăm khám.
Cùng thời gian này, tại xã Gia Tân có ông Phạm Hùng Oanh đang luyện tập môn Tâm năng dưỡng sinh và đã hướng dẫn cho nhiều người trong gia đình cùng tập luyện và mang lại sức khỏe, khả năng cải thiện bệnh tật tốt. Bà Cán tìm đến và xin ông Oanh hướng dẫn tập luyện. Nhờ tập Tâm năng dưỡng sinh bà Cán cảm thấy trạng thái cơ thể thay đổi rõ rệt. Đầu tiên là bớt được bệnh mất ngủ kinh niên và chứng đau đầu. Tiếp đến một loạt căn bệnh bà mắc phải dần dần thuyên giảm và khỏi hẳn. Không những thế sức khỏe của bà còn tốt lên và có thể lao động trở lại.
Cũng vì lý do đó bà Cán từ chỗ tập luyện với hy vọng cải thiện sức khỏe, chữa bệnh cho mình dần dần đam mê môn Tâm năng dưỡng sinh. Bà đã theo học các huấn luyện viên của thầy Phạm Văn Chiều- người sáng lập ra môn Tâm năng dưỡng sinh từ Hà Nội cử về. Có được hiểu biết căn bản, bà Cán một mặt tự tập luyện, mặt khác hướng dẫn cho nhiều người cùng tập luyện. Bắt đầu từ năm 1996, bà mở lớp Tâm năng dưỡng sinh đầu tiên tại thôn Thiện Hối, sau đó phong trào tập luyện môn này phát triển rộng ra toàn xã Gia Tân. Tại 4 thôn của xã đều có câu lạc bộ Tâm năng dưỡng sinh của những người trung- cao tuổi tập luyện. Nhận thấy việc tập luyện môn Tâm năng dưỡng sinh có lợi ích về mặt sức khỏe tốt, cho nhiều người, nhất là những người cao tuổi, các cấp hội MTTQ từ xã đến huyện đã hết sức ủng hộ, khuyến khích bà Cán phát triển môn thể dục dưỡng sinh này để cho nhiều người cùng tập luyện. Thực hiện chủ trương đó, bà Cán phát triển phong trào bằng việc đào tạo cho 25 người thành hướng dẫn viên tại thôn. Ngoài ra còn giúp đào tạo 17 hướng dẫn viên khác trên địa bàn toàn huyện. Đồng thời, bà Cán có đóng góp lớn trong việc thành lập hàng loạt Câu lạc bộ tâm năng dưỡng sinh tại các xã Gia Thanh, Gia Trấn, Gia Hòa, Gia Thắng, Gia Lập với số lượng hội viên lên đến vài trăm người.
Điều đáng nói ở bà Nguyễn Thị Cán là bà đã làm việc này một cách hoàn toàn tự nguyện, miễn phí, xuất phát từ cái tâm của mình, muốn cho nhiều người được khỏe mạnh, sống vui vẻ, bớt đi bệnh tật. Vì những đóng góp của bà Cán cho phong trào mà liên tiếp tại 2 kỳ đại hội của Hội Tâm năng dưỡng sinh huyện Gia Viễn, bà Cán đều được các hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch hội; từ năm 1996 đến nay bà liên tục được UBND huyện Gia Viễn khen thưởng, đồng thời nhận được sự yêu quý, trân trọng của các hội viên môn Tâm năng dưỡng sinh trên khắp địa bàn huyện.
Bài, ảnh: Mai Phương