Là một trong số 12 tiếp viên cộng đồng của toàn tỉnh, cô Nguyễn Thị Hà, tổ dân phố 7, đường Thanh Niên, phường Bắc Sơn (thành phố Tam Điệp) là người duy nhất của thành phố Tam Điệp và cũng là một trong số ít người có nhiều năm gắn bó với công việc "không giống ai" này. Chia sẻ về nguyên nhân biết đến và gắn bó với "nghề đặc thù" này, cô Nguyễn Thị Hà cho biết cô vốn là bộ đội về nghỉ chế độ, sau đó được giới thiệu tham gia các chức vụ tại địa bàn nơi cư trú: Là cán bộ phụ nữ, cộng tác viên dân số; sau đó làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Bắc Sơn và hiện kiêm nhiệm nhiều chức danh tại phố: là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận phố, là tiếp viên cộng đồng phòng, chống HIV và cộng tác viên dân số của phố.
Biết được những khó khăn của người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS và gia đình thường bị kỳ thị, xa lánh, cô Hà đã chủ động gặp gỡ các đối tượng để tiếp cận tuyên truyền và tư vấn cho họ cùng người thân và nhân dân trong cộng đồng về căn bệnh này, những đường lây bệnh để mọi người nắm bắt được và chủ động phòng tránh. ở tổ dân phố 7, phường Bắc Sơn có 5 đối tượng nghiện các chất gây nghiện nhiều năm, đã được cô Hà tư vấn, giới thiệu tham gia điều trị thay thế bằng thuốc Methadone, hiện tất cả đều có sức khỏe ổn định, tìm được việc làm và duy trì cuộc sống gia đình yên ổn.
Cô Nguyễn Thị Hà cho biết: Trên địa bàn thành phố Tam Điệp hiện có gần 30 khách sạn, nhà nghỉ có đối tượng nguy cơ cao hoạt động mại dâm, nghiện chích ma túy. Để tiếp cận những đối tượng này và cả những chủ khách sạn, nhà nghỉ không đơn giản. Ban đầu, các đối tượng nghi ngờ, không tin tưởng, cho cô là người đi tìm kiếm thông tin để báo công an… Sau nhiều lần đi, đến, rồi ngồi chờ… cô Hà đã dần tiếp cận, làm quen và nhận được sự "hợp tác, đồng thuận" của các đối tượng và chủ khách sạn, nhà nghỉ.
"Giờ thì họ đã nhẵn mặt tôi rồi. Họ hiểu được công việc của tôi là muốn tốt cho họ, cho cộng đồng. Và qua tuyên truyền, tư vấn, hầu hết họ đã hiểu việc cần thiết phải sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục, để đảm bảo an toàn cho bản thân mình và người khác. Điều tôi trăn trở và mong muốn hơn cả là những đối tượng này cần ý thức được việc đi xét nghiệm định kỳ 6 tháng 1 lần để sàng lọc bệnh HIV, từ đó có cách điều trị sớm bằng ARV, ổn định bệnh, vừa giữ được sức khỏe vừa không lây bệnh ra cộng đồng… Tiếc là hầu hết những đối tượng nguy cơ cao chưa ý thức được việc này, dẫn đến vẫn còn là mối lo ngại, nguy cơ cao cho chương trình phòng, chống lây nhiễm HIV ra cộng đồng…" - Cô Nguyễn Thị Hà chia sẻ thêm.
Năm nay đã hơn 60 tuổi, có hơn 10 năm tham gia công việc "nhạy cảm, chẳng giống ai", cô Hà cho biết, với mức phụ cấp công việc rất thấp, những năm trước vài chục nghìn/tháng, đến nay tăng lên được vài trăm nghìn/tháng, công việc thì khó khăn, vất vả, chắc chả ai muốn làm. Nhưng bản thân cô lại thấy vui và ý nghĩa, nhất là khi nhận được sự động viên, đồng thuận của người chồng cũng từng là người lính trong quân ngũ và những người con nay đã trưởng thành, thống nhất cho rằng, dù vất vả nhưng khi làm việc có ích cho xã hội, giúp được nhiều người, cuộc sống càng ý nghĩa hơn. "Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, công việc của mình đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, trong đó có những đối tượng thanh niên còn rất trẻ, chỉ như con, cháu mình, nếu không biết phòng tránh và phát hiện, điều trị bệnh kịp thời sẽ chết dần chết mòn và mang đau đớn cho những người thân. Những tiếp viên cộng đồng như chúng tôi xác định, mình hỗ trợ, can thiệp được trường hợp nào thì tốt trường hợp ấy, tất cả là xuất phát từ cái tâm và vì sự ổn định, phát triển của xã hội" - cô Hà bộc bạch.
Với sự kiên trì, nhẫn nại của mình, lại là người có tuổi nên được các đối tượng lắng nghe và tin tưởng. Mỗi tháng cô Hà đi phát trên dưới 1,2 nghìn BCS miễn phí tại các khách sạn, nhà nghỉ và các đối tượng bán dâm, nghiện hút, tiêm chích ma túy… trên địa bàn thành phố Tam Điệp. Qua đánh giá, nhờ "Mưa dầm thấm lâu", những đối tượng nguy cơ cao được tuyên truyền, tư vấn ít nhiều nhận biết, thay đổi hành vi hoặc giảm bớt những hành vi nguy cơ cao, thực hiện các hành vi an toàn phòng tránh HIV/AIDS và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, biết cách bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng… góp phần thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và phấn đấu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh