Nắng mùa hè bỏng rát tới tận chiều hôm. Hoàng hôn vừa kịp khuất sau rặng núi xám, vài ngọn gió đu đưa dìu dịu nhưng cũng chưa đủ để "hạ nhiệt" cả một tuyến đường bê tông. Vậy mà chị Bùi Thị Tuyến (xã Gia Vượng, huyện Gia Viễn) đã mải mốt xếp dụng cụ, đồ nghề lên chiếc xe đạp cà tàng, bắt đầu cho một buổi đi đặt bẫy lươn. Người phụ nữ thôn quê ấy cười tươi rói, hồn hậu: Thành lệ rồi, sau khi chuẩn bị bữa cơm cho gia đình, cho gà, vịt, lợn ăn no nê thì đến giờ tôi đi … phát triển kinh tế, cải thiện cho gia đình. Vừa nói, chị Tuyến vừa tháo những chiếc trúm- dụng cụ để bẫy lươn được chằng đậy kỹ càng trên chiếc xe đạp xuống. Chị Tuyến bảo, lươn chỉ đi ăn vào ban đêm, vì vậy muốn săn được lươn thì người săn lươn phải bắt đầu công việc khi buổi chiều xuống. Việc đặt bẫy lươn thì không khó, cứ làm nhiều thì thành quen, thành "điệu nghệ" thôi. Tôi quê gốc ở bên Gia Trung- một nơi sống bằng nghề sông nước. Vì vậy, ngay từ nhỏ tôi đã đi phụ giúp bố đặt trúm săn lươn rồi. Những đứa trẻ khác thì còn sợ sệt mỗi khi động vào con lươn, nhưng tôi thì chẳng sợ chút nào. Cái con vật nhìn ghê ghê ấy là "cứu cánh" cho gia đình tôi. Lớn lên, tôi lấy chồng ở xã bên và mang theo cái nghề săn lươn ấy. Chồng tôi đi làm thợ đá, vợ chồng ngoài vài sào ruộng ra thì cũng chăn nuôi thêm lợn, gà để cải thiện cuộc sống. Để có điều kiện chăm lo tốt cho hai đứa con đang tuổi đến trường, hầu như ngày nào tôi cũng đi thả trúm săn lươn. Tuy ở đây, số người làm nghề này không nhiều, song lượng lươn thu hoạch được cũng ít hơn xưa. Tuy vậy, thu nhập từ săn lươn cũng giúp gia đình tôi giảm gánh nặng về kinh tế, chăm lo cho con ăn học đến nơi, đến chốn.
Rồi chị Tuyến giới thiệu cho chúng tôi xem "vũ khí" săn lươn của chị. Đó là những chiếc trúm được làm rất đơn giản. Đó chỉ đơn thuần là một ống ống tre dài chừng từ 50-60cm. Một đầu ống để mắt tre bịt kín, đầu còn lại làm miệng. Miệng ống có hom được làm bằng nan mỏng, kết hình nón và được cố định với thân bằng một xiên tre hay thanh sắt nhỏ. Với miệng ống này, lươn chỉ có đường vào mà không thể có đường ra. Chị Tuyến bảo, thường thì những người làm nghề này lâu năm sẽ biết lựa chọn những vị trí có nhiều lươn. Lươn hay trú ngụ ở lớp bùn đất mềm sát bờ cỏ ngập nước, bụi cây mấp mé ao hoặc sông suối. Người có kinh nghiệm phải nhận đoán được hướng gió để mùi tanh của mồi có thể lan xa và thu hút lươn… Nhưng chị Tuyến thì chỉ đi đặt ống ở những bờ ruộng của làng, xã thôi. Mỗi ngày, chị đặt cả trăm ống, rải rác ở khắp các bờ ruộng trong vùng. Công đoạn đặt trúm tưởng đơn giản, nhưng cũng phải tuân thủ nhiều kỹ thuật. Miệng trúm phải đặt nghiêng, cố định dưới đáy bùn. Mồi nhử lươn chị Tuyến thường dùng là giun đất, ốc bươu vàng, cua đồng… giã nhỏ, trộn đều. Mồi trám vào nắm đậy của chiếc trúm rồi thả dưới ruộng. Phát hiện có mồi, lươn sẽ chui vào bên trong ống trúm và mắc kẹt lại. Nếu đặt trúm nông thì lươn sẽ không chui vào được. Còn nếu đặt sâu dưới lớp bùn thì mùi mồi sẽ không phát ra để dụ lươn. Để không bị quên vị trí đặt trúm, người đặt phải có trí nhớ tốt, thậm chí là phải có hẳn một sơ đồ đặt ở trong đầu.
Chị Tuyến kể, ngày xưa, thường thì những người đi săn lươn chủ yếu là nam giới và là những người có tuổi, nhưng vào dịp nghỉ hè thì những đứa trẻ nông thôn như chị không bỏ qua công việc có thêm thu nhập này. Đi săn lươn để tự túc việc mua sách, bút hay quần áo cho năm học mới. Cũng có đứa, đi săn lươn là để lo cho cả gia đình nghèo khó… nhưng bây giờ thì số người làm nghề săn lươn ít lắm. Đặc biệt, trẻ con thì hầu như không có đứa nào làm công việc này cả. Hiện nay, phần lớn ao tù đã được cải tạo, khai phá để làm ruộng, trồng cây, lươn vì vậy mà cũng mất đất sống. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc trừ sâu và dùng xung kích điện cũng khiến môi trường sống của lươn bị đe dọa. Bởi vậy mà lượng lươn thu hoạch được cũng ít hơn xưa nhiều.
Chị Tuyến bảo, thời khắc thú vị được mong chờ nhất là đi đổ trúm, thu hoạch lươn. Cái cảm giác đi săn lươn hay đi câu cá nó giống hệt nhau. Hồi hộp lắm vì chẳng hôm nào giống hôm nào cả. Lươn thì có quanh năm, song nhiều nhất là vào các tháng Giêng, tháng Ba, Tháng Sáu, tháng Bảy… vì đây là mùa lươn sinh sản. Nên vào những thời điểm này, thu hoạch lươn cũng khá hơn những mùa khác. Sau khi đổ nước ra khỏi ống, thấy hơi nặng tay, xóc nhẹ, lươn sẽ từ từ trườn ra khỏi chiếc bẫy. Hôm nào gặp may, chị Tuyến cũng kiếm được vài cân lươn. Lươn bẫy từ tự nhiên có màu nâu đất hoặc vàng nhạt, thịt chắc, thơm và bổ dưỡng nên được giá hơn lươn nuôi. Bởi vậy nên việc bán lươn dễ lắm, thường thì chị mang ra chợ huyện, đổ cho các đầu mối thu mua với giá chừng 150 nghìn/kg. Chừng ấy tiền thu nhập thêm đối với gia đình chị Tuyến đã mở ra nhiều hi vọng để làm thay đổi cuộc sống vốn khốn khó nơi làng quê. Hay đơn giản hơn, các con của chị cũng tự tin đến trường với đủ đầy sách, bút.
Nguyễn Hùng