Sức khỏe của ông Nhãn đã yếu đi nhiều sau cơn bạo bệnh vào cuối năm ngoái. Trí nhớ của ông cũng vì thế mà bị giảm sút. Nhưng thật kỳ lạ, ông có thể quên nhiều thứ song những câu chuyện về Đảng, về Bác Hồ và cuộc hành trình sưu tầm ảnh của Bác thì vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức ông. Từ khi còn là cậu bé cấp 2, những câu chuyện về Đảng, về Bác Hồ luôn có một sức hút lớn đối với Hoàng Long Nhãn. Thời ấy, sách báo hiếm lắm. Cậu bé Nhãn chủ yếu nghe tin tức qua chiếc radio bé xíu của cha và may mắn cho cậu, nhờ có người anh rể là đồng chí Vũ Công Hoan, nguyên là Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, mà cậu có điều kiện tiếp cận với sách báo, tài liệu nói về Đảng, về Bác. Đọc xong, cậu bé Nhãn còn tỷ mẩn cắt từng mẩu tin quan trọng và những tấm hình về Đảng, về Bác để lưu giữ theo từng chủ đề và theo thời gian. Từ việc hình thành sở thích sưu tập ảnh của Bác đã dần hun đúc lên trong chàng thiếu niên trẻ tuổi ấy một tình yêu, một niềm tin mãnh liệt vào Đảng, vào Bác.
Tháng 3/1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên trẻ Hoàng Long Nhãn hăng hái lên đường nhập ngũ. Trong cuộc chiến đấu gian khổ dành độc lập cho dân tộc, niềm đam mê sưu tầm ảnh và tư liệu về Đảng, về Bác của Hoàng Long Nhãn ngày càng thêm bồi tụ. Song, ở thời đó tìm được một tờ báo vốn đã khó, ở nơi chiến trường khốc liệt còn hiếm hơn nhiều. Tờ báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân như một món quà tinh thần mà thỉnh thoảng lắm ông Nhãn và những người đồng đội mới được đọc.
Vì có giọng đọc trầm ấm lại lưu loát nên mỗi khi có báo, ông Nhãn được đồng đội tín nhiệm là người đọc báo cho mọi người nghe. Sau khi nghe ông đọc, đồng đội "thưởng nóng" cho ông luôn tờ báo đó.
Cứ thế, theo năm tháng, những tấm hình và bài học đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh ngày một nhiều và trở thành "bảo bối" được ông Nhãn cất giữ cẩn thận trong chiếc ba lô đã bạc màu vì sương gió. Bởi thế, mà với ông khoác chiếc ba lô trên vai không chỉ đơn thuần là một dụng cụ đựng hành lý mà hơn cả đó còn là chân lý, là lý tưởng và là một mục đích sống đầy ý nghĩa. Chiếc ba lô đặc biệt này đã tiếp thêm cho ông sức mạnh để cùng các đồng chí, đồng đội bước qua gian khổ, xông pha nơi trận mạc thực hiện cho được lý tưởng dành độc lập cho dân tộc.
Đất nước thống nhất, hành trang trở về của người chiến sỹ ấy là những tài liệu, những tấm ảnh quý giá về Đảng, về Bác được cất giữ cẩn thận. Năm 1984, ông được nhân dân địa phương tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ thôn Đồng Chưa suốt 10 năm liền. 10 năm sau đó, ông lại được bầu làm phó chủ tịch HĐND xã Gia Thịnh.
Bận rộn với công việc, ông không có điều kiện đeo đuổi niềm đam mê đi sưu tầm ảnh Bác.Tuy nhiên, nhiều người nghe tiếng ông, cảm cái tình ông dành cho Đảng, cho Bác nên đã lặn lội đường xa tìm tới tận nơi để tặng cho ông những bức hình quý. Bộ sưu tập ảnh của ông cứ thế mà dày lên theo năm tháng. Đến nay, ông Nhãn sở hữu hơn 1000 bức hình của Bác và của Đảng.
Khi Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được phát động thì bộ sưu tập ảnh này trở thành tư liệu vô cùng quý giá để ông tuyên truyền Cuộc vận động đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần đưa Cuộc vận động nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống.
Theo đó, ông Nhãn và Chi ủy thôn Đồng Chưa tích cực tổ chức những buổi tuyên truyền về Cuộc vận động, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của tập thể. Để tăng hấp dẫn, và nâng cao hiệu quả cho những buổi tuyên truyền, ông Nhãn nghiên cứu qua sách báo, tài liệu và thực tiễn cuộc sống để tìm ra cho mỗi buổi tuyên truyền một chủ để khác nhau. Ông kết hợp những kiến thức, những câu chuyện với những tấm hình sưu tầm được về Đảng, về Bác nên được bà con rất hào hứng đón nhận.
Hiểu được tâm lý của số đông quần chúng nhân dân khi được phát động "làm theo lời Bác" họ luôn băn khoăn làm thế nào để làm những việc mà một người vĩ đại như Bác Hồ đã làm, ông Nhãn từ tốn giải thích cho bà con hiểu, hãy làm theo Bác bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày. Ông vận động bà con đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình, từ đó đã góp phần xây dựng quê hương Gia Thịnh giàu đẹp.
Đồng Chưa là thôn công giáo toàn tòng với trên 500 hộ và hơn 2 nghìn khẩu. Diện tích đất nông nghiệp trên đầu người chỉ hơn 1 sào/khẩu. Trong đó, hơn 1 nửa là diện tích ngoài đê cấy một vụ không ăn chắc. Năm nào gặp lũ tiểu mãn coi như mất trắng. Trước thực trạng đó, ông Nhãn vận động bà con tích cực chuyển đổi sang cấy giống lúa ngắn ngày để có thể thu hoạch trước khi lũ tiểu mãn về. Không những thế, ông còn vận động bà con chăm sóc lúa tái sinhvà tích cực trồng cây vụ đông như khoai tây, khoai lang… góp phần làm tăng sản lượng lương thực có hạt, thúc đẩy chăn nuôi phát triển.
Bên cạnh đó, ông Nhãn còn vận động bà con phát triển những ngành nghề truyền thống để tăng thu nhập lúc nông nhàn như: thêu ren, thợ nề, khâu nón. Ông Nhãn tham mưu cho UBND xã Gia Thịnh tổ chức các lớp dạy nghề tại địa phương, rồi mời những nghệ nhân lành nghề về giảng dạy. Nhờ đó, mà trình độ tay nghề của bà con được nâng cao, sản phẩm làm ra được khách hàng ưa chuộng. Những nghề phụ này đã thực sự mang lại nguồn thu nhâp đáng kể giúp bà con cải thiện cuộc sống. Kinh tế phát triển, bà con trong thôn càng thêm thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tương trợ nhau trong cuộc sống và xây dựng hạnh phúc gia đình.
Những nỗ lực này góp phần giúp Đồng Chưa giữ vững danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh nhiều năm liền và danh hiệu Làng văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh năm 2009. Cá nhân ông Nhãn đã nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen củaTỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh vì đã có thành tích trong các phong trào thi đua như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Ngày vì người nghèo", "dân vận khéo"… đặc biệt, ông đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nguyễn Hùng