Theo giới thiệu của lãnh đạo xã Quang Thiện, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Văn Nam, Bí thư Chi bộ xóm 13, xã Quang Thiện (huyện Kim Sơn). Ông Nam là bạn thiếu thời và thân thiết như anh em ruột với Chủ tịch nước, ông vốn là bộ đội biên phòng đã được về nghỉ chế độ và gần 20 năm qua ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ xóm 13.
Rắn rỏi và bản lĩnh, nhưng khi hỏi về cuộc đời, tình cảm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Nam không kìm được nước mắt, rưng rưng xúc động cho biết: Lần gặp gần đây nhất giữa ông và Chủ tịch nước là ngày 2/9/2018, khi ấy Chủ tịch nước tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi vài tiếng đồng hồ về ăn cơm tại nhà thờ họ của mình, bữa cơm chỉ có vài người bạn thân và những người dưới quyền thân thiết.
Ông Nam bảo: "Bác ấy (cách ông gọi thân mật Chủ tịch nước Trần Đại Quang) cứ nhìn chúng tôi và giục ăn đi, ăn tự nhiên thoải mái đi, còn bác ấy không ăn gì. Biết bác bị bệnh nhưng chúng tôi không dám hỏi, chỉ mong bác sẽ nhanh chóng lấy lại phong độ ngày nào… Vậy mà, chỉ chưa đến hai chục ngày sau, nghe tin bác mất như sét đánh ngang tai. Tôi đau đớn và sốc lắm, không tin đó là sự thật khi bác ra đi quá nhanh như vậy!…".
Người dân Kim Sơn nghẹn ngào khi nhắc về Chủ tịch nước. Ảnh: TTXVN
Rồi ông Nam kể về tuổi thơ nghèo khó, về những gì ông khâm phục và nể trọng ở người bạn thuở niên thiếu của mình. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh về tình cảm với gia đình, bà con hàng xóm và tình thân không phân biệt cấp bậc, vị thế của Chủ tịch nước với bà con nhân dân trong xóm, trong xã và cả bản thân ông. "Gia đình Chủ tịch nước có 6 người con, cha mất sớm khi bác mới 7 tuổi, nhưng người mẹ của bác ấy đã không để một người con nào phải bỏ học. Bà luôn lạc quan và cố gắng hết sức để nuôi dạy 6 người con trưởng thành, làm rạng danh gia đình, dòng tộc.
Lúc ấy, ai cũng nghèo khó nên chẳng thể giúp gì được cho gia đình và bản thân bác ấy. Khi đã trưởng thành, kể cả khi giữ các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, những ngày Lễ, Tết, khi về thăm quê, bác luôn dành thời gian thăm hỏi những người dân quê nhà, tặng quà các gia đình chính sách, thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, người nghèo, các cháu học sinh nghèo vượt khó...
Trong một lần nói chuyện với trên 400 người dân khu vực xóm 13, xã Quang Thiện, với vị thế là Bộ trưởng Bộ Công an, mở đầu bác nói: "Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, mồ côi cha từ lúc 7 tuổi, được sự cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ của các cụ, các ông bà, các bác và bà con nhân dân trong xóm để có được như ngày hôm nay" khiến tất cả mọi người đều rơi nước mắt. Tôi hiểu đó là sự khiêm tốn, đức độ và tình cảm gần gũi, thân tình của vị Chủ tịch nước với bà con nơi quê nhà.
Ông Phạm Văn Nam cho biết thêm, khi nghe tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, cả xóm 13 bàng hoàng, đau đớn, mọi sinh hoạt, lao động như chậm lại. Chi hội phụ nữ xóm không ai bảo ai, cùng nhau dọn dẹp, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trong nhà, ngoài ngõ thật sạch sẽ; đồng thời, mọi gia đình đều treo cờ rủ, dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, sẵn sàng đón người con ưu tú của quê hương trở về đất mẹ.
Đường vào xã Quang Thiện- quê hương của Chủ tịch nước.
Đồng chí Hoàng Văn Thắng, Phó Bí thư Huyện ủy Kim Sơn cho biết: Chủ tịch nước Trần Đại Quang ra đi đột ngột đã để lại lòng tiếc thương vô hạn đối với nhân dân cả nước nói chung và Đảng bộ, quân và dân tỉnh Ninh Bình, huyện Kim Sơn nói riêng. Những ngày qua, từ khi nghe tin Chủ tịch nước mất, mọi hoạt động vui chơi, giải trí ở huyện Kim Sơn được người dân tự nguyện dừng lại. Trong câu chuyện của nhân dân Kim Sơn hầu như xoay quanh chuyện Chủ tịch nước qua đời, cảm nhận một không khí buồn thương, nỗi đau, niềm thương tiếc không nói nên lời.
Với trách nhiệm là quê hương của Chủ tịch nước, những ngày qua huyện Kim Sơn đã tập trung thực hiện tốt phần việc quan trọng. Theo đó, huyện chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương chuẩn bị mặt bằng khu an táng thi hài Chủ tịch nước Trần Đại Quang theo đúng quy định Kết luận 88 -KL/TW ngày 18/2/2014 của Bộ Chính trị; xác định hướng tuyến giao thông; vệ sinh đường sá, nơi công cộng… Huyện cũng chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin hướng dẫn các xã, thị trấn, cơ quan, công sở treo cờ rủ 2 ngày quốc tang, dừng tất cả mọi hoạt động vui chơi, giải trí.
Đồng thời, MTTQ và các đoàn thể hướng dẫn nhân dân có thể đến tiễn đưa Chủ tịch nước tại nơi an táng, nhưng phải đảm bảo an toàn, trật tự và trang trọng. Cùng với đó, tuyên truyền cho nhân dân dọn dẹp, vệ sinh đường làng, phố xóm sạch sẽ, khang trang. Đặc biệt, Ninh Bình là 1 trong 3 điểm cầu truyền hình trực tiếp trong các ngày diễn ra quốc tang, nên lực lượng an ninh cần đảm bảo cho các hoạt động diễn ra an toàn, nghiêm ngặt, trang trọng với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Hạnh Chi