Có thể nói, cụm từ "tiết kiệm điện" lâu nay vẫn luôn tồn tại trong ý thức của người dân, tuy nhiên để hiểu đúng và thực hiện đúng thì không phải ai cũng làm được. Tiết kiệm điện là tắt bớt các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng khi không cần thiết. Ngoài ra còn các yếu tố kỹ thuật như cần phải thay thế các bóng đèn bằng sợi đốt có công suất lớn bằng bóng compact, phân bổ bóng đèn hợp lý, gắn các bộ biến tần cho các thiết bị sử dụng nhiều điện năng… Anh Nguyễn Văn Dũng, phường Nam Bình cho biết: Từ khi nhà nước nâng giá điện gia đình tôi cũng đã triệt để tiết kiệm điện. Các bóng đèn chiếu sáng được thay thế bằng đèn compact, các thiết bị điện tử cũng không để ở chế độ chờ… Khi mọi cái đều tăng giá như hiện nay thì với một gia đình công chức tiết kiệm được cái gì cũng tốt.
Theo ước tính của ngành Điện, một gia đình ở thành phố vào giờ cao điểm, có thể sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện sinh hoạt như: các loại đèn thắp sáng, ti vi , tủ lạnh, nồi cơm điện, bình đun nước, bình nóng lạnh, điều hòa… thì công suất tiêu thụ lên tới 4.000Wh, như vậy, nếu tất cả các gia đình cùng có nhu cầu sử dụng điện như trên thì việc quá tải và thiếu điện sẽ là điều không tránh khỏi. Qua thống kê, tổng điện năng sử dụng cho hoạt động chiếu sáng ở nước ta vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 35% trong khi trên thế giới tỷ lệ này chỉ chiếm 16-17%. Vì vậy, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã khuyến cáo, việc tiết kiệm điện trong sinh hoạt không khó, chỉ cần bắt đầu từ những việc làm nhỏ và đơn giản nhất. Mỗi gia đình chỉ cần tắt bớt một bóng đèn vào giờ cao điểm, nên thay thế loại đèn sợi đốt có công suất lớn bằng loại đèn compact tiêu tốn ít điện năng, giúp công suất của mỗi bóng đèn giảm xuống 10 - 30 W, tương đương với lượng điện năng tiêu thụ sẽ giảm 19 - 40% .
Thực tế cho thấy, ý thức tiết kiệm điện của một bộ phận người dân còn chưa cao, tình trạng bật các thiết bị điện nhưng không dùng diễn ra khá phổ biến, trong đó phải kể đến điện chiếu sáng và máy thu hình, nhất là ở các công sở, nhiều cán bộ, công chức cho rằng "việc tiết kiệm điện chưa phải là của mình". Tâm lý chủ quan khi cho rằng bóng đèn, cái quạt bật không, màn hình vi tính, máy photocopy để chế độ chờ cũng chẳng đáng gì, trong khi ai cũng hiểu người nào cũng như mình thì tỷ lệ lãng phí là rất lớn và mỗi người nâng cao ý thức tiết kiệm điện bằng những việc làm cụ thể thì hàng năm số tiền tiết kiệm được lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh nâng cao ý thức tiết kiệm điện của người dân thì Nhà nước cũng cần có những giải pháp đồng bộ để tiết kiệm điện hiệu quả hơn trong mùa khô hạn, nhất là trong tình hình năm nay nước phần lớn hồ chứa bị cạn kiệt. Mùa khô được dự báo sẽ khắc nghiệt hơn mọi năm, lượng nước không đủ cho các nhà máy thủy điện hoạt động làm giảm sản lượng điện của cả nước. Do đó cần có một kế hoạch tiết kiệm điện hợp lý ngay từ bây giờ. Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Điện và các cơ quan chức năng, các địa phương cũng cần thường xuyên kiểm tra giám sát việc sử dụng điện trên địa bàn, đảm bảo tiết kiệm hiệu quả.
Vần đề tiết kiệm điện là vấn đề lâu dài, cần sự phối hợp chặt chẽ của ngành Điện với các doanh nghiêp, các cơ quan, đoàn thể, các cụm dân cư và mọi gia đình. Để tiết kiệm điện hiệu quả cần thực hiện thường xuyên, ngay cả những lúc không thiếu điện, để tạo thành nếp sống, vừa ích nước vừa lợi nhà, nhất là trong tình hình giá điện như hiện nay.
Nguyễn Thơm