Chồng chị Lành mất sớm, để lại cho chị đứa con gái nhỏ nói còn chưa tròn tiếng, chị dựa vào nghề bán mía mà sống và nuôi con. Khi con gái lớn hơn, mẹ con chị thuê nhà ở Gia Viễn để đi bán mía dạo. Một buổi sáng mùa đông năm 2000, tiết trời lạnh thấu xương, mẹ con chị Lành chèo chiếc thuyền câu nhỏ chở mía xuống chợ Lê (xã Gia Lạc) để bán. Gió Bắc thổi mạnh khiến chiếc thuyền nan tròng trành rồi lật úp. May mắn cho mẹ con chị, một người đàn ông đang thả lưới ven sông kịp nhìn thấy, nhanh như cắt, anh băng mình qua làn nước lạnh buốt, ngụp lặn, vật lộn với thủy thần, cuối cùng, người đàn ông ấy cũng đưa được mẹ con chị Lành vào bờ. Anh gọi thêm mấy người dân xóm chài tốt bụng đến đốt lửa, sưởi ấm cho hai mẹ con.
Sau nhiều năm, cô con gái nhỏ năm nào giờ đã là một phụ nữ thành đạt. Chị Lành đã có tuổi và yếu đi nhiều vì bị bệnh khớp hành hạ. Cuộc sống của chị đã khá hơn nên chị cũng không còn đi bán mía dạo từ nhiều năm nay. Mẹ con chị quyết định trở lại làng chài năm xưa để tìm lại ân nhân. Nhưng, cái xóm chài nghèo xơ xác ấy giờ đã không còn. Qua thăm hỏi thì được biết, người dân xóm chài ấy đã được chính quyền các xã Gia Lạc, Gia Thịnh và Gia Vượng tạo điều kiện cho mua đất trong đê để sinh sống, làm ăn. Nhiều người trong số họ đã không còn làm nghề chài lưới nữa. Mẹ con chị Lành kiên trì tìm kiếm và rồi tìm được vị ân nhân. Đó chính là anh Trần Văn Phong, ở xóm 1, xã Gia Vượng.
Anh Phong năm nay đã ngoài 40 tuổi, anh khác đi nhiều so với ngày gặp mẹ con chị Lành, song nét nhân hậu ấy thì vẫn còn vẹn nguyên. Còn với anh Phong, anh không thể nhận ra mẹ con chị Lành, nhưng câu chuyện của người đàn bà góa bụa, một mình nặng gánh mưu sinh gặp nạn trên sông Hoàng Long năm nào thì anh chưa quên. Cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy diễn ra cảm động, nhạt nhòa những giọt nước mắt hạnh phúc, tri ân.
Anh Phong tâm sự, sinh ra ở xã Gia Lạc. Gia cảnh nghèo, từ ông nội anh đến anh đều phải bám vào sông làm nghề chài lưới kiếm sống. Nghề chài lưới như "cơ duyên" để đưa chúng tôi đến với những người gặp nạn trên sông. Có những trường hợp chúng tôi cứu sống được người gặp nạn, nhưng cũng có không ít trường hợp chúng tôi thất bại.
Gần đây nhất là trường hợp 4 cháu học sinh lớp 9 ở xã Gia Vượng rủ nhau đi tắm sông rồi gặp nạn trong đợt bão số 5 vừa qua. Buổi chiều hôm ấy, anh Phong và em trai là anh Trần Văn Giang đang thả lưới thì thấy 4 em gặp nạn. Hai anh em đã vượt mưa cứu được 3 cháu, nhưng còn 1 cháu mất tích. Anh Phong huy động người dân ra lặn, tìm kiếm người mất tích. Song, do nước sông sâu lại chảy xiết nên việc tìm kiếm trở nên vô vọng. Cuối cùng, đã phải nhờ tới đội lặn ở Kênh Gà mới tìm thấy thi thể cháu.
Cuộc sống thay đổi, tạo cơ hội cho anh Phong tìm được một việc làm ổn định với thu nhập cao hơn là đi làm thuyền chài. Cũng có nhiều bạn bè rủ anh đi chạy tàu công suất lớn song anh đều từ chối. Với anh, "treo lưới, chiếc thuyền" không chỉ là cơm, áo, gạo, tiền mà từ sâu thẳm trái tim anh đó còn là "chiếc phao" cho những người không may gặp nạn trên sông.
Hơn 20 năm gắn với nghề thuyền chài, anh Phong đã cứu sống được gần 10 người. Không nhiều người trong số họ trở lại tìm anh để nói lời cảm ơn chân thành như mẹ con chị Lành, song với anh Phong giúp người không mong người trả ơn.
"Tôi giúp người bởi đó là lương tâm, là trách nhiệm với đồng loại. Tôi tin bất kỳ ai vào hoàn cảnh tôi cũng làm như vậy. Cứu một người phúc đẳng hà sa mà"- anh Phong tâm sự.
Cũng theo anh Phong, qua các vụ tai nạn cho thấy, trẻ em có nguy cơ đuối nước nhiều nhất. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần tăng cường quản lý con em mình nhất là vào dịp hè. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành và mỗi địa phương hãy tạo ra nhiều sân chơi cho trẻ em, đặc biệt môn bơi cần được đưa vào trường học, bởi đó là một kỹ năng sống rất quan trọng và cần thiết.
Bài, ảnh: Thu Hằng