Do đó những thực tế về chiến trường, về chiến tranh còn đầy ắp trong ông. Ông luôn tâm niệm phải ghi lại những chiến thắng ấy, vừa là để cho mình không quên những tháng năm gian khổ, ác liệt mà anh hùng của đơn vị, vừa là để góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ phải luôn nhớ và biết ơn truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông...
Năm 1984, vì tuổi đã cao, sức đã yếu, rời quân ngũ trở về với đời thường ông đã tích cực, hăng hái tham gia mọi công tác xã hội, đoàn thể. Ông đã tham gia Ban chấp hành Hội CCB tỉnh, huyện và xã nhiều khóa. Đặc biệt có một công việc mà ông luôn tâm niệm và không cho phép mình được lơ là, sao nhãng. Đó là viết lại những ký ức chiến trường, ký ức về đồng đội. Từ khi rời quân ngũ đến nay, ông vẫn liên tục viết. Viết như quên sức yếu, quên tuổi già. Các thể loại ông viết chủ yếu là hồi ký và thơ ca. Đề tài ông viết cũng chỉ tập trung về quê hương, về đồng đội, về chiến trường của đơn vị ông. Ông đã có nhiều bài thơ, truyện thơ, diễn ca về các di tích lịch sử, các thần tướng đã được dựng đền thờ trên đất Nho Quan từ thời Vua Hùng, An Dương Vương đến các triều đại sau này...Với đơn vị Quân đoàn 2 ông đã có một tập thơ gần trăm bài về truyền thống Quân đoàn, về những đồng chí, đồng đội gần gũi, thân yêu của mình.
Nhiều năm, ông ấp ủ và quyết tâm viết được một cuốn hồi ký đầy đủ về truyền thống của Quân đoàn 2. Đó cũng là ý nguyện và sự tin cậy của đơn vị, của đồng đội giao phó, trông cậy ở ông. Qua gần chục năm cặm cụi, viết, soạn tư liệu, đi gặp gỡ trao đổi với anh em đơn vị xin từng tư liệu, tìm từng tấm ảnh...năm 2015 ông đã hoàn thành tập hồi ký "Từ giới tuyến Vĩnh Linh đến dinh Độc lập". Đây là một tập hồi ký dầy dặn, kèm nhiều ảnh tư liệu minh họa. Tập ký in khổ 14,5 x 20,5 với 383 trang, cùng phần phụ lục 34 trang ảnh, thơ về Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tập hồi ký có 4 phần lớn : - Chương I, ông viết về Vĩnh Linh, miền đất khói lửa, khốc liệt của đồng bào Quảng Trị dưới sự kìm kẹp của địch; cũng là nơi đơn vị ông ra đời, từ một đơn vị bảo vệ giới tuyến (Trung đoàn 270 - năm 1955), sau hiệp định Giơ - ne - vơ.
Chương II, ông viết về cuộc chiến đấu và những chiến công của các sư đoàn chủ lực thuộc Quân đoàn 2 trên đất Trị - Thiên, Tây Nguyên, Khu 5. Chương III: ông tiếp tục kể về Quân đoàn 2 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Chương IV, ông dành trọn để viết về những ngày Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn đến phút thắng lợi hoàn toàn.
Tập hồi ký khái quát một cách chân thực, đầy đủ sự ra đời và trưởng thành của Quân đoàn 2. Đó là một Quân đoàn anh hùng với một địa bàn rộng lớn, khắp từ Vĩnh Linh đến Tây Nguyên, miền Trung và miền Đông Nam Bộ. Nhiều chiến dịch lớn, nhiều trận đánh chiến thắng vang dội của đơn vị đã được ông ghi lại khá trung thực, đầy đủ... Đầy đủ đến từng tên đất, tên người, ngày giờ từng trận đánh lớn nhỏ, từng câu chuyện chiến đấu của chiến sĩ...Và cũng thật chi tiết, ví dụ như ông còn nhớ "Từ Đà Nẵng vào Xuân Lộc dài gần 1.000 km, có 569 cầu, 288 cống...", hoặc trận Khe Sanh: " Sau 170 ngày tiến công vây hãm, ta đã diệt 17.000 tên địch (có 13.000 tên Mỹ), bắn rơi và phá hủy 480 máy bay, 120 xe quân sự, 65 đại bác và súng cối cỡ lớn, 55 kho tàng... giải phóng toàn bộ huyện Hương Hóa với 10.000 dân..." và những trận tiêu biểu như chiến thắng Đường 9 Bắc Quảng Trị (1966-1967), cuộc tổng tấn công giữ thành Huế suốt 25 ngày đêm, xuân 1968, chiến thắng Đường 9 Nam Lào, xuân 1971, cuộc tổng công kích đánh chiếm thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm đầy cam go, hy sinh ác liệt đã buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Rồi những chiến thắng vang dội của Quân đoàn chiến đấu giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn... Đặc biệt oanh liệt nhất là cuộc "thần tốc" của Quân đoàn tiến về giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mùa xuân 1975...
Ông là một chiến sĩ, một cán bộ cấp trung đoàn, sư đoàn gắn bó suốt từ những ngày đầu và trưởng thành cùng với sự trưởng thành của Quân đoàn nên có đầy đủ những tư liệu, số liệu đáng tin cậy.
Cùng với chiến công của Quân đoàn, ông còn dành nhiều bút mực viết về những tấm gương đồng đội chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng. Đó là những chiến sĩ gan góc, dũng cảm như đại đội trưởng Lê Khắc Vận, Nguyễn Nam, anh hùng Dương Quang Bổ (22 tuổi, đã được tặng thưởng 4 huân chương chiến công, hy sinh trong trận Đồn Tranh năm 1972)... các Tiểu đoàn trưởng như Tăng Văn Miêu, Nguyễn Văn Thời, Quách Thanh Ngân, Phạm Huy Chưởng... Các cán bộ Trung đoàn thao lược, tài trí như Nguyễn Hoán, Phan Hà, Lê Văn Dánh, Ma Vinh Lan... Hoặc như dũng sĩ diệt xe tăng Lê Văn Cảnh 21 tuổi bị bom xăng Mỹ đốt cháy thành than... Trong đó có khá nhiều chiến sỹ, cán bộ là con em quê hương Ninh Bình mà tiêu biểu như người anh hùng Tư lệnh Quân đoàn, PGS, Thượng tướng Nguyễn Hữu An, một người con thân yêu của miền đất Cố đô Hoa Lư lịch sử. Những chiến thuật độc đáo, tài tình của đơn vị trong mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch cũng được ông ghi lại khá sinh động, đầy đủ và chính xác...
Tập hồi ký giàu chất liệu lịch sử mà cũng khá đậm chất văn nên dễ đọc, dễ cuốn hút và cảm động. Mỗi trang sách của ông là một trang lịch sử của Quân đoàn 2 anh hùng. Chắc chắn tập hồi ký sẽ là một nguồn tư liệu quý cho những nhà văn nào muốn dựng những bộ tiểu thuyết lớn về chiến tranh cách mạng, nhất là về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Cuốn hồi ký đã được Đại tá Đinh Trường Xuân (Phó hiệu trưởng Trường Trung học Kỹ thuật nghiệp vụ CAND) đánh giá: " Hồi ký - Từ giới tuyến Vĩnh Linh đến dinh Độc lập" là một bản anh hùng ca về tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta qua những chiến công lẫy lừng của Sư đoàn 324 và Quân đoàn 2 anh hùng, với cuốn hồi ký này, anh đã hoàn thành nhiệm vụ của đồng đội giao cho như anh đã hoàn thành nhiệm vụ trong những trận đánh của thời chống Mỹ".
Thanh Thản