Hơn 30 năm phục vụ trong quân ngũ, đã từng xông pha nơi khói bom, đạn lửa, nhưng chưa điều gì khuất phục được người lính già Đinh Công Lượng. Nay khi đã về hưu, ông thiếu tá quân đội ngày nào lại hăng hái, tất bật với những công việc "không lương" của thôn, xóm.
Về xóm 4, xã Yên Thắng, chúng tôi được nghe kể nhiều về ông Đinh Công Lượng. Ông nhập ngũ năm 1974. Sau khi đất nước thống nhất, ông tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, rồi được cử đi làm nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ nước bạn Lào và sau đó là tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Sau chiến tranh, ông tiếp tục phục vụ trong quân đội, đến năm 2004, ông nghỉ hưu và về quê sinh sống. Với trách nhiệm của người quân nhân, của người công dân yêu Tổ quốc đã thôi thúc ông Lượng tiếp tục tham gia các hoạt động ở thôn, xóm, phụng sự nhân dân. Với đức tính ngay thẳng, chính trực, ông được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi bộ xóm 4. Trong quá trình tham gia hoạt động, ông Lượng tích cực tuyên truyền, vận động người dân thi đua lao động sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa, thành lập "Dòng họ khuyến học", góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục, chăm lo cho thế hệ tương lai ở địa phương. Trong công tác Mặt trận, với tư cách là Trưởng ban, ông tham gia vận động người dân quyên góp, ủng hộ những gia đình khó khăn, giúp họ vượt lên thoát nghèo. Khi Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện, ông Lượng tham gia vào tổ tuyên truyền, vận động người dân trong xóm chỉnh trang nhà cửa, quyên góp làm đường giao thông thôn xóm. Ông cùng các thành viên của "Tổ dân vận khéo" đi tuyên truyền và thuyết phục người dân thực hiện, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Ông cho biết: Ban đầu, người dân chưa hiểu rõ quyền và lợi ích của phong trào xây dựng nông thôn mới đem lại. Tôi cùng các cán bộ khác đã phải gõ cửa từng nhà để giải thích cho người dân hiểu. Nhưng quan trọng nhất là chúng tôi phải thuyết phục được các cụ cao tuổi có "tiếng nói" trong các dòng họ. Bởi thế, mà người dân trong xóm đã dần hiểu ra và tin tưởng, tự giác thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới. Đã có những hộ gia đình chính sách tự nguyện phá dỡ tường bao để làm đường giao thông nông thôn. Việc làm đường giao thông nông thôn được phân chia thành từng đợt nhỏ, mỗi đợt thực hiện một tuyến đường nhất định. Mục đích chính là để người dân thấy được lợi ích khi có đường giao thông thuận tiện, từ đó bà con sẽ tự giác đóng góp tiền và công sức cùng thực hiện. Mới đây xã Yên Thắng đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong thành quả đó có một phần góp sức của những người như ông Lượng.
Sống và làm việc cùng ông Lượng, ông Bùi Đức Khá, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yên Thắng nhận xét: Bác Đinh Công Lượng là một đảng viên gương mẫu, một người khiêm tốn, trung thực và thẳng thắn, rất tích cực tham mưu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của địa phương, thôn, xóm. Tuy đã về hưu nhưng bác luôn giữ vững phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ. Ngoài tham gia công tác tại địa phương, bác Lượng cũng rất quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Bác Lượng là người xây dựng câu lạc bộ hát chèo của xã đi vào hoạt động thường xuyên, có hiệu quả, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bài, ảnh: Thái Học