Năm phút, mười phút... rồi nửa tiếng trôi qua. Bà ấy vẫn chưa về. Ông đã thấy nóng ruột. Khổ thế! Từ ngày về hưu đến giờ bà ấy được bầu vào cái chân "người hòa giải". Suốt ngày đi. Hễ chỗ nào có xích mích, to tiếng với nhau là bà có mặt. Có bữa vừa cầm bát cơm lên lại có người gọi "Bà Thư ơi, lại có đám vợ chồng nào đang cãi nhau... ở cuối phố kia kìa...". Lại có đêm khuya mưa to, gió lớn cũng vẫn có điện thoại gọi bà đi hòa giải đám nọ, đám kia... Có lúc bực, ông đã gắt "Thế ngoài bà ra, không còn ai làm được nữa à? Đúng là ăn cơm nhà vác tù và hàng phố. Được gì nào. Chỉ lắm giấy khen, hết cả chỗ treo...". Bà vẫn chỉ cười "... Dân người ta quý, người ta tín nhiệm... mình nỡ lòng nào khước từ. Với lại mình có điều kiện hơn... mà làm cũng vui. Thấy nhà này yên ấm, nhà kia thuận hòa, thì còn gì bằng?".
Đúng là miệng lưỡi nhà hòa giải. Ông bực đấy mà lắm lúc cũng thấy vui vui.
Ông lại liếc nhìn đồng hồ. Mười hai giờ rồi. Sáng có cái răng đau ông chỉ trếu tráo được mấy miếng, giờ mới lại càng đói. Ông không thể đợi hơn được nữa. Thôi đi ăn cơm quán. Dăm nghìn, ào một cái rồi về nghỉ. Thế là xong. Đơn giản gọn nhẹ. Tính vậy nên ông thong thả đứng dậy khóa cửa nhà.
Nhưng ông đang lạch cạch khóa cửa thì bà đạp xe về. Còn cách chừng hơn chục mét bà đã tươi cười lên tiếng:
- Ông định đi đâu mà lại khóa cửa... đ...ớ...i?
Ông dừng tay chăm chăm nhìn bà. Nét mặt ông vẫn còn tỏ ra bực bội. Ông giằn giọng:
- Tôi hỏi bà... thế nếu bây giờ tôi với bà cãi nhau... thì lấy ai hòa giải... mà bây giờ bà mới về?
Biết là ông nóng ruột, bực mình nên bà cười xòa, đấu dịu. Bà còn đùa:
- Cứ thử xem... ối người... còn ối người giỏi giang, khéo léo ấy...
Rồi bà liền quay nhanh lại chỉ vào cái giỏ xe:
- ấy cũng vì tôi ghé qua chợ mua cho ông dăm lạng lòng lợn, với gói bún... lại có cả cạp lồng nước phở ăn bún nữa kia. Tưởng tý là về ngay. Nào ngờ ra đến chợ gặp cô hàng cá với cô hàng tôm to tiếng với nhau, lại phải dừng lại khuyên can đôi bên... xong mới về được... Thôi ông vào nhà đi...
Ông vừa mở cửa vừa lẩm bẩm:
- Chỉ được cái vậy...
Cơn nóng trong lòng ông phút chốc tan biến ngay. Ông còn vui nữa vì mấy cái món kia đúng là món khoái khẩu của ông. Chẳng tốn kém mấy mà ngon, hợp với rượu lắm. Bà thuộc tính ông và vẫn thường chiều ông như thế. Chả thế mà hơn bốn mươi năm ăn ở với nhau, hai người chưa một lần to tiếng. Cũng chính vì thế mà bà mới dễ ăn, dễ nói với người khác. Hơn nữa cả đời bà lại đã làm công tác phụ nữ, nên bà con mới kính nể, tín nhiệm bầu bà. Sáu, bảy năm nay bà đã làm công tác này. Bà thuộc đường phố như lòng bàn tay, bà hiểu hoàn cảnh từng gia đình như nhà mình. Bà đã hòa giải cho bao nhiêu gia đình êm ấm, vợ chồng hòa thuận, khối phố đoàn kết, thân ái... Chả thế mà cả phố ai cũng gọi bà là "Người của bà con".
Ông liếc nhìn bà, cái nhìn dịu lại. Bà ấy đã 67, mái tóc bà mới hơi ngả màu sương sớm. Đôi mắt còn sáng. Khuôn mặt còn hồng tươi, phúc hậu. Có lúc hơi bực với bà như vậy, chứ cơ bản là ông thương bà, quý bà và nhiều lúc ông thấy tự hào khi thấy bà được bà con khen ngợi... Ông thấy mình cũng được thơm lây.
Vào nhà, chỉ một loáng mâm bát đã được bày ra. Bà lại lấy cho ông chai rượu thuốc để ông nhâm nhi với cái món ông ưa thích kia. Ông bỗng thấy người phấn chấn hẳn lên.
ấy thế mà ông vừa nâng chén lên thì đã lại có tiếng xe máy ập đến cửa nhà. Ông nhìn bà khe khẽ lắc đầu:
- Khổ thế... ăn một miếng cũng không ngon... Chắc là có gia đình nào lại "mất đoàn kết nội bộ" đây...
May cửa còn hé mở. Một thanh niên chạc ba mươi dựng xe, bước vào. Tay anh cầm một bọc gói giấy báo và một chai rượu thuốc. Vào nhà, anh tươi cười cúi đầu:
- Con chào ông bà...
Đặt chén rượu xuống mâm, ông Bá nhìn anh thanh niên vẻ khó chịu hỏi:
- Lại có đám nào... gọi bà ấy hả, anh?
Anh thanh niên vẫn rất vui:
- Dạ... không... không ạ!... là con có tin vui, con đến cám ơn ông bà... con có dăm lạng chè Thái ngon và một chai rượu thuốc biếu ông bà bổ dưỡng...
Ông Bá nhìn anh thanh niên vui ông cũng vui theo:
- Anh có tin vui gì thế?
Anh thanh niên xoa xoa hai tay, đôi môi vẫn chưa tắt niềm vui:
- Chả nói giấu gì ông bà... là vợ chồng con có được "thằng chống gậy" rồi... vừa đưa cháu ở bệnh viện về hôm qua. Trộm vía... cháu kháu khỉnh lắm... giống bố như đúc... đúng là cùng một "sê-ri" ạ!... ấy là nhờ bà đấy ạ! Năm ngoái không có bà khuyên giải, vợ chồng con ly dị thì làm gì có được thằng cu này ạ!... Hôm nào đầy cữ cháu, con sẽ lại đến mời ông bà đến chia vui với vợ chồng con và nhờ luôn ông bà đặt tên cho cháu nữa ạ!... Hì! Hì!...
Bà Thư mừng ra mặt bảo:
- Vậy thì mừng quá... nhưng anh cứ thông báo vậy là được rồi, quà cáp biếu xén làm chi...
Anh thanh niên lại liến thoắng:
- Dạ... dạ... chút tấm lòng của vợ chồng con... chứ có đáng gì đâu ạ!
Anh thanh niên bước đến đặt chút quà lên bàn và vội vã xin phép ra về, bà Thư nhìn ông mỉm cười:
- Đấy, ông thấy không... công việc của tôi là vậy đấy...
Ông gật đầu "Phải, tôi biết rồi...". Rồi ông nâng chén rượu khà một hơi đầy vẻ khoan khoái.
Truyện ngắn của Thanh Thản