Sinh ra tại một làng quê nghèo nhưng hiếu học và giàu truyền thống yêu nước, thôn Khê Đầu Thượng, xã Ninh Xuân (huyện Hoa Lư), năm 1947, dù mới 17 tuổi, chàng thanh niên An Gia Phơn đã tình nguyện lên đường đánh giặc. Được thử thách trong những năm đầu cuộc chiến tranh khói lửa, từ một người lính liên lạc dũng cảm, nhanh trí đến một người lính công binh cần cù, sáng tạo, An Gia Phơn đã tự khẳng định mình trên mọi lĩnh vực công tác được lãnh đạo và đồng đội tin yêu, mến phục. Một kỷ niệm thiêng liêng mãi khắc ghi vào cuộc đời cụ là sau một lần mang tài liệu thoát khỏi ổ phục kích của địch trở về, vào giữa năm 1949 từ Văn phòng Sở chỉ huy, chi bộ đã làm lễ kết nạp Đảng cho người chiến sĩ trẻ An Gia Phơn khi chưa tròn 20 tuổi.
Năm 1953, An Gia Phơn được chuyển sang E237 thuộc Sư đoàn 351 chốt suốt từ Phú Thọ sang Tuyên Quang, rồi được biên chế sang đơn vị pháo F45. Những ngày đầu năm 1954, anh em trong đơn vị đã náo nức chờ lệnh lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên.
Ngày đó, các đơn vị nhận pháo phần lớn là pháo 105 ly do Trung Quốc chi viện, được tập kết ở Hoàng Phố rồi đưa xuống bè, theo sông chuyển về Yên Bái. Để đảm bảo bí mật, an toàn, các đơn vị vận chuyển đã ngày nghỉ đêm đi. Trên đường vận chuyển phải căng mắt ra trong đêm để tránh những đoạn đá ngầm, ghềnh thác, gặp lúc trời mưa phải dùng cả lều bạt, chiếu, chăn che phủ cho pháo. Nhận những khẩu pháo, các chiến sỹ của đơn vị đã phải nhiều đêm thức trắng vật lộn với mưa gió, thác ghềnh, cả đơn vị pháo F45 đều nêu quyết tâm đưa pháo vào trận địa an toàn.
Đến ngày 25-2-1954, sau khi đã đưa được hàng chục khẩu 105 vào điểm tập kết, An Gia Phơn được điều về bộ phận hậu cần, một nhiệm vụ cũng không kém phần vất vả và nguy hiểm thuộc F30 đóng ở cây số 7, nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.
Nhiệm vụ của bộ phận này là đóng bè ven theo những sông suối thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái vào sâu các bản làng, phần lớn là bà con dân tộc Nùng, Thổ, Thái để mua lợn, gà đem về mổ thịt chế biến. Với hàng chục tấn thịt lợn, gà cung cấp cho mặt trận Điện Biên, tổ hậu cần thuộc F30 do tiểu đội trưởng, người đảng viên trẻ An Gia Phơn phụ trách đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, An Gia Phơn đã được bình bầu Chiến sỹ thi đua cấp Sư đoàn và vinh dự được tặng Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên.
Rời quân ngũ, An Gia Phơn được cử đi học cơ khí tại Thượng Hải (Trung Quốc). Sau khi về nước, ông đã tham gia vào nhiều cương vị công tác, trong đó đã từng làm Bí thư Đảng ủy Công ty xây dựng nhà ở Ninh Bình, Xí nghiệp cơ khí 1-5 rồi làm Chủ tịch Công đoàn huyện Hoa Lư. Hiện tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng với tinh thần Điện Biên, cụ vẫn hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, là Thường trực Ban liên lạc quân giới, Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Phúc Thành. Cụ Phơn đã vinh dự được tặng nhiều huân, huy chương và nhiều danh hiệu thi đua khác, trong đó có Huân chương chiến thắng hạng Ba, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì, hạng Ba và Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
Lê Liêu