Một trong những tấm gương điển hình của phong trào NCT thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được UBND tỉnh khen thưởng giai đoạn 2012-2017 là ông Trần Văn Rình, xóm 3, xã Kim Đông (Kim Sơn). Là Phó Chủ tịch Hội NCT xã Kim Đông, ông Rình đã đi đầu, gương mẫu trong việc tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa vào thử nghiệm các cây trồng mới, chất lượng cao. Trên diện tích hơn 1 mẫu đất, ông Rình phân bổ các loại cây trồng phù hợp, tận dụng tất cả diện tích đất, đưa vào trồng các loại bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn, bưởi tiến Vua; các loại ổi đỏ, ổi nữ hoàng, thanh long ruột đỏ… cho lợi nhuận hàng năm gần 200 triệu đồng. Cùng với đó, trên 1,5 mẫu diện tích mặt nước, ông nuôi thả tôm sú và cua rèm xanh…, mỗi năm thu lãi gần 200 triệu đồng. Mô hình trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản của ông Rình cho lợi nhuận gần 400 triệu đồng/năm, hiện được nhiều hội viên người cao tuổi và người dân trên địa bàn học tập, làm theo.
Ông Bùi Xuân Cộng, người dân tộc Mường, thôn Lải, xã Thạch Bình (Nho Quan), Chủ tịch HĐQT, Giám đốc doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Xuân Hòa, được biết đến là một doanh nhân thành đạt và có tấm lòng hảo tâm với cộng đồng xã hội. Ngoài sản xuất vật liệu xây dựng, doanh nghiệp của ông Cộng còn thi công các công trình xây dựng, kinh doanh du lịch… thường xuyên giải quyết việc làm cho gần 200 lao động là con em địa phương, với mức lương tối thiểu 5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, doanh nghiệp của ông Bùi Xuân Cộng thu lợi nhuận từ 3,5-3,8 tỷ đồng. Trong những năm qua, ông Cộng đã ủng hộ xây dựng 2 nhà văn hóa thôn trị giá 1 tỷ đồng, xây dựng 2 nhà tình nghĩa cho 2 hộ gia đình nghèo trên 200 triệu đồng… Ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Đối với ông Nguyễn Minh Nguyệt, thôn Nhân Phẩm, xã Yên Lâm (Yên Mô), ngoài là chủ nhiệm tổ hợp sản xuất vật liệu xây dựng, mỗi năm thu lãi trên 1,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng; ông Nguyệt còn tổ chức cho gia đình cấy 2 mẫu ruộng, thả 1 ha cá, chăn nuôi gia cầm… thu lãi mỗi năm trên 100 triệu đồng. Ông được Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng Bằng khen….
Trên đây chỉ là 3 tấm gương tiêu biểu trong số hàng trăm tấm gương làm kinh tế giỏi của người cao tuổi trong tỉnh được các cấp Hội người cao tuổi tuyên dương giai đoạn 2012-2017. Bà Trần Thị Thu Hạnh, Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 126 nghìn NCT, trong đó có gần 120 nghìn người tham gia tổ chức Hội, tỷ lệ hội viên đạt 95%. Trong số đó, đảng viên là trên 11 nghìn người, trên 10 nghìn người là CCB, có hơn 28 nghìn người là cán bộ hưu trí, trên 14 nghìn người bị thương trong chiến đấu được xếp hạng thương tật và hưởng trợ cấp xã hội, còn lại là NCT ở các khu vực lao động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và lĩnh vực khác. Toàn tỉnh có gần 59 nghìn NCT tham gia lao động sản xuất, kinh doanh dịch vụ; trên 700 NCT là chủ trang trại, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh; gần 600 NCT tham gia hướng dẫn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; 174 NCT tham gia dạy nghề truyền thống…
Hàng năm, Hội NCT tỉnh luôn quan tâm, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các phong trào, hoạt động nhằm phát huy vai trò NCT như: NCT sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; NCT tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; NCT thi đua xây dựng nông thôn mới... Để động viên, khích lệ hội viên tham gia phát triển kinh tế, Ban đại diện Hội NCT các cấp thường xuyên tổ chức các buổi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình cho giá trị thu nhập cao; đồng thời tạo điều kiện về nguồn vốn vay hàng chục tỷ đồng, chuyển giao KHKT để NCT có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Cùng với đó, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, NCT đã giúp nhau hàng nghìn cây, con giống, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh...
Với sự trợ giúp, động viên, khuyến khích của tổ chức Hội NCT các cấp, bằng năng lực, sở trường và điều kiện gia đình, nhiều hội viên NCT đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiêp, thương mại…, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Theo báo cáo của Ban đại diện Hội NCT 8 huyện, thành phố, giai đoạn 2012-2017, có 4.358 NCT được vinh danh làm kinh tế giỏi cấp cơ sở, 324 NCT được vinh danh làm kinh tế giỏi cấp huyện, thành phố và 83 NCT được vinh danh làm kinh tế giỏi cấp tỉnh. Trong số đó có 21 NCT được Trung ương Hội NCT Việt Nam tặng Bằng khen, 11 NCT được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Cũng theo bà Trần Thị Thu Hạnh, Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh, thông qua phong trào làm kinh tế giỏi của NCT không chỉ phát huy được tinh thần, ý chí của NCT trong phát triển kinh tế mà còn phát huy vai trò, vị thế của NCT trong việc giáo dục con, cháu tinh thần tự lập, đức tính cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Cùng với đó, phong trào cũng là hành động thiết thực của các cấp hội thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết của Tỉnh ủy Ninh Bình về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo và an sinh xã hội đến năm 2020, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, xây dựng sự nghiệp CNH-HĐH quê hương, đất nước. Với những đóng góp của hàng trăm nghìn NCT trong tỉnh, từ năm 1995 - năm thành lập Hội đến nay, Hội NCT tỉnh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Trung ương Hội NCT Việt Nam tặng 5 Cờ thi đua xuất sắc và hàng nghìn kỷ niệm chương, bằng khen các loại; được UBND tỉnh tặng 15 Cờ thi đua xuất sắc và hàng trăm bằng khen… cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, hoạt động vì người cao tuổi.
Mỹ Hạnh