Bà Thới nhớ lại: Tôi về hưu sau 34 năm đứng trên bục giảng, được bà con tín nhiệm bầu là Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ban công tác mặt trận của thôn, tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để không phụ lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Để phát triển kinh tế, trên cơ sở xác định thế mạnh của địa phương chi bộ đã xác định sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng, song cũng phải chú trọng mở mang thêm ngành nghề. Bên cạnh việc vận động nhân dân tiếp tục đi sâu vào thâm canh, tăng vụ, tích cực tiếp thu giống mới, áp dụng KHKT, thay đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng nhằm nâng cao năng suất cây trồng, Chi bộ đã chỉ đạo các đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân khôi phục và phát triển nghề chế tác đá mỹ nghệ truyền thống. Sau nhiều nỗ lực, đến năm 2009, thôn Đồng Quan được công nhận là làng nghề chế tác đá mỹ nghệ.
Để người dân ổn định sản xuất, bà Hoàng Thị Thới cùng cán bộ trong ban công tác mặt trận thôn đã tích cực vận động một bộ phận nhân dân xóm chài lên bờ xây dựng nhà cửa, chuyển đổi nghề từ sông nước chài lưới sang làm nông nghiệp và nghề đá mỹ nghệ. Ông Nguyễn Đình Văn, một người dân xóm chài cho biết, ban đầu chúng tôi khá băn khoăn về chủ trương lên bờ làm kinh tế. Bởi tuy thu nhập thấp và không ổn định, song nghề chài lưới đã gắn bó với chúng tôi từ bao đời nay. Giờ lên bờ thì chúng tôi biết làm gì để kiếm sống? Tuy nhiên, khi được đồng chí Bí thư chi bộ đến tận nhà, phân tích hơn thiệt, tất cả các hộ trong xóm đã thay đổi suy nghĩ.
Bằng các nguồn vốn huy động sẵn có của từng gia đình cùng với nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng các mô hình phát triển kinh tế. Hiện, trong thôn có 2 trang trại chăn nuôi, 6 doanh nghiệp tư nhân làm đá mỹ nghệ, thu hút từ 150-200 lao động. Ngoài ra, còn nhiều hộ khác làm nghề thêu ren và xây dựng đảm bảo cho hàng trăm lao động địa phương có việc làm thường xuyên. Đến nay, hộ nghèo của thôn còn 9 hộ, chiếm 2,4%, số hộ giàu chiếm 12%, còn lại là hộ khá và trung bình, không còn hộ đói.
Kinh tế phát triển, đời sống của bà con trong thôn được cải thiện, các hoạt động xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa đã được nhân dân trong thôn hưởng ứng nhiệt tình. Thực hiện Đề án của tỉnh về xóa nhà tranh tre dột nát cho người nghèo, thôn đã vận động làm mới được 2 ngôi nhà, sửa chữa cho 2 hộ gia đình với kinh phí của thôn là trên 100 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động. Đến nay, trong thôn không còn nhà dột nát, xuống cấp.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, từ nguồn đóng góp của dân mà thôn Đồng Quan đã xây dựng được các công trình phúc lợi như nhà văn hóa, nhà trẻ, sân bóng đá, bóng chuyền, tu sửa đình làng và các công trình thờ tự, tín ngưỡng khác. Sự học của con em cũng được nhân dân đầu tư. Hàng năm có 100% số trẻ em đến trường đúng độ tuổi, không còn tình trạng trẻ em bỏ học. Thôn đã thành lập được 1 đội văn nghệ gồm 25 người tham gia, 1 đội bóng đá, 1 đội bóng chuyền, 1 CLB dưỡng sinh của Chi hội Người cao tuổi.
Qua nhiều năm phấn đấu và giữ vững danh hiệu khu dân cư tiên tiến, năm 2012, thôn Đồng Quan đã được công nhận là làng văn hóa. Cá nhân bà Hoàng Thị Thới nhiều năm liền được tặng giấy khen của MTTQ các cấp. Nhưng với bà Thới, phần thưởng lớn nhất đó chính là có được niềm tin yêu của bà con trong thôn.
Nguyễn Hùng