Năm 1975, sau khi xuất ngũ, vượt qua khó khăn về thương tật, ông đã tích cực tham gia công việc chung và đảm đương nhiều vị trí công tác trong xã như: Bí thư đoàn xã, cán bộ tài chính, Phó Chủ tịch UBND xã. Đến năm 1996, sau khi nghỉ công tác tại xã, ông lại được tín nhiệm bầu là Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Phong Thành. Khi Đảng ủy xã triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", ông Đãi rất phấn khởi, nhưng cũng băn khoăn, trăn trở là làm sao để mọi đảng viên trong chi bộ cũng như nhân dân trong thôn đều hưởng ứng và tích cực học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Đối với chi bộ, mỗi lần sinh hoạt, ngoài thực hiện công tác đánh giá kiểm điểm hoạt động của chi bộ trong tháng, ông đều lồng ghép đưa vào một câu chuyện về Bác để đảng viên được nghe, cùng suy ngẫm. Đó là những câu chuyện được ông chọn lọc rất kỹ để không chỉ truyền đạt bằng cả tình cảm, tấm lòng trân trọng, mà còn giảng giải cho đảng viên, quần chúng hiểu sâu sắc hơn về thân thế, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu, từ đó, giúp đảng viên và nhân dân trong thôn nhận thức được trách nhiệm học tập, làm theo lời Bác, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh - quốc phòng tại địa phương.
"Một trăm lời nói hay không bằng một việc làm tốt" - ông Đãi rất tâm đắc khi nói về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thấm nhuần lời dạy của Người, với uy tín của người Cựu chiến binh, ông đã "đến từng ngõ, gõ từng nhà" làm công tác vận động quần chúng nhân dân vừa lao động sản xuất, vừa tham gia vào các phong trào của địa phương như xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo.
Hồi ông mới được bầu làm Bí thư chi bộ, thôn Phong Thành vẫn còn tới 13 hộ nghèo, thậm chí có hộ con em còn bị vướng vào tệ nạn xã hội. Ông đã cùng chính quyền và các đoàn thể xuống tận nhà, gặp gỡ từng hộ để tìm hiểu nguyên nhân, động viên họ vươn lên thoát nghèo. Chi bộ thôn đã họp ra nghị quyết và phân công đảng viên giúp các hộ nghèo, đồng thời vận động người dân trong thôn giúp đỡ về ngày công và kinh nghiệm sản xuất.
Đối với những gia đình có con em mắc tệ nạn xã hội, ông đã kiên trì vận động đưa đi cai nghiện. Bằng những nỗ lực đó, đến nay, toàn thôn chỉ còn 3 hộ nghèo đều là hộ tàn tật, không có khả năng lao động và hoàn toàn không còn nạn nghiện hút, góp phần đưa chi bộ thôn Phong Thành trong 13 năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, 85% số hộ trong thôn đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Ngoài làm Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, ông còn tham gia Chi hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh xã. Ở bất cứ cương vị nào, ông cũng nhiệt tình, tích cực, được mọi người yêu mến và tín nhiệm. Với cương vị là Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, trong các cuộc vận động, ông luôn chuẩn bị nội dung, tìm ra cái mới để tuyên truyền. Đặc biệt là công tác xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở và xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư, trong đó đề cao tính công khai, hướng đến những vấn đề mà bà con quan tâm, giữ nếp sống chan hòa, động viên con cháu biết quan tâm đến cha mẹ, ông bà.
Mọi việc chung của thôn đều công khai bàn bạc, lấy ý kiến, cùng nhau xây dựng, động viên nhân dân đóng góp sức người, sức của để làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn… Nhờ đó, nhân dân trong thôn đã tích cực đóng góp, bê tông hóa được trên 1.500 m đường giao thông và xây được nhà văn hóa thôn. Dù tuổi cao, sức khỏe đã suy giảm nhiều nhưng ông luôn tận tâm với công việc, sẵn sàng đem sức lực, trí tuệ cống hiến cho quê hương, trong ông vẫn sáng ngời phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ".
Quốc Khang