Nghề giám định pháp y theo quy định của pháp luật cho đến nay không có nhiều người theo. Đây cũng là nghề không dành cho phụ nữ. Theo như bác sỹ Nguyễn Thanh Hải tâm sự thì cũng như bao người, anh không chọn nghề này mà nghề được đào tạo ở Học viện Quân y là chuyên khoa nội. Bản thân anh đã có hơn chục năm công tác tại Trường Kỹ thuật Tăng-thiết-giáp (Bộ Tư lệnh Tăng) nên với anh, giám định pháp y là lĩnh vực xa lạ. Chỉ đến khi chuyển công tác về Ninh Bình, anh mới tiếp cận với chuyên ngành mới mẻ này.
Năm 2000, vừa nhận nhiệm vụ mới, lại được cử đi học chuyên ngành giải phẫu bệnh, anh đã học thêm chuyên ngành giám định pháp y. Bước vào học anh mới thấy hết được những khó khăn của chuyên ngành. Vì là chuyên ngành đặc thù nên khi bắt tay vào học, nhiệm vụ của các học viên khi đó được thầy giáo Trưởng bộ môn Y pháp (Đại học Y Hà Nội) giao hàng ngày là… mổ 10 ca pháp y. Anh kể: Có những ngày, cả buổi sáng tập trung mổ được 4-5 ca là đến giờ ăn trưa, thầy trò vừa đứng lên là thầy giáo bắt rửa tay đi ăn cơm ngay để tập làm quen với cường độ làm việc, giảm bớt sự sợ sệt. Ban đầu, cảm giác lo lắng, luôn gặp ám ảnh trong các giấc ngủ thường đến với anh. Nhưng rồi, trong lòng luôn tâm niệm: công việc mình làm là một chuyên ngành khoa học để góp phần tìm ra nguyên nhân của ca bệnh, của trường hợp tử vong nên dần dần bình tĩnh hơn.
Đến khi về nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, được sự quan tâm, hướng dẫn và giúp đỡ của đồng nghiệp đi trước, qua thời gian tập sự, bác sỹ Hải cũng tự mình thực hiện các ca giám định độc lập. Tuy nhiên, hoạt động giám định pháp y liên quan đến ngành y không nhiều do đặc thù nên tuy thuộc quân số của Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng bác sỹ Hải lại thường xuyên "đầu quân" cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi có quyết định trưng cầu giám định pháp y.
14 năm gắn bó với nghề, anh không nhớ mình đã tham gia cụ thể bao nhiêu vụ việc. Nhưng có nhiều vụ việc vẫn lưu giữ trong anh bởi tính chất, đặc thù. Lần giám định một trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân trong nhà nghỉ khiến anh nhớ mãi bởi thời điểm đó đây là trường hợp chưa có một tài liệu, sách vở nào hướng dẫn. Chỉ dựa vào các kiến thức nội khoa, bác sỹ Hải nhận thấy nạn nhân bị phù phổi, xuất huyết đa tạng, có bọt khí trong máu… anh đã đưa ra kết luận nạn nhân bị sốc phản vệ do ma túy. Đến khi gửi đi xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, kết luận cũng đúng như anh khẳng định ban đầu. Từ vụ việc này, bác sỹ Hải càng tự nhủ phải cẩn trọng, chính xác trong công việc vì đây là lĩnh vực không được phép rút kinh nghiệm vì chỉ cần 1 lần sai sót là dẫn đến làm sai lệch sự việc, tính chất vụ án.
Nhắc đến hoạt động giám định pháp y, nhất là việc mổ tử thi, chắc hẳn nhiều người chỉ hình dung thôi cũng đủ… sợ hãi. Ngay cả trong câu chuyện với chúng tôi, bác sỹ Hải cũng không thấy đề cập đến công việc cụ thể, khiến chúng tôi không khỏi tò mò. Thấy chúng tôi mấy lần đề cập, bác sỹ Hải cười bảo: chỉ sợ các nhà báo nghe xong lại không dám uống nước… Anh kể cho chúng tôi về một trường hợp làm ví dụ. Đó là lần đi mổ tử thi một trường hợp nạn nhân chết treo cổ trong rừng lâu ngày. Chỉ mỗi việc đưa nạn nhân từ trên cây xuống chỗ mổ pháp y khoảng 15 mét mà khi vừa đặt nạn nhân xuống đất, mấy thanh niên được thuê làm trút hết quần áo, nhảy vội xuống hồ nước để tắm rửa, có người vừa nôn ọe, vừa kêu lên "không nghĩ mùi lại kinh khủng đến vậy".
Trong điều kiện làm việc chỉ có xác chết và bác sỹ pháp y cùng người y công phụ việc, mọi người vẫn phải cẩn trọng, tỉ mỉ tìm và xác định nguyên nhân. Công việc giám định pháp y như vậy có khi kéo dài hàng giờ đồng hồ, nhanh nhất cũng phải 1-2h. Chưa kể, có lần còn gặp trường hợp nạn nhân được giám định bị chết ngay trong khu chứa nước thải, nhà vệ sinh ở vùng nông thôn. Khi đó, ruồi nhặng đã bâu kín xác chết, mùi hôi thối không bút nào kể xiết, bác sỹ pháp y vẫn lặng lẽ thực hiện công việc của mình cho đến khi tìm ra kết luận chính xác. Môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm là vậy nên đã có một số trường hợp chỉ tham gia có 1 vụ duy nhất rồi về không dám ăn cơm, xin nghỉ ốm rồi xin chuyển công tác khác.
Với bác sỹ Hải, anh bảo đã quen và thấy bình thường. Khi hướng dẫn cho các y công, nhân viên của khoa, anh vẫn dặn họ phải chính xác trong từng động tác, bình tĩnh, tránh tình trạng lợm giọng, nôn ọe… để hoàn thành nhiệm vụ. Cũng do đặc thù công việc liên quan đến hoạt động tố tụng các cơ quan điều tra, tòa án… nên nghề giám định pháp y không có bạn đồng nghiệp. Theo anh Hải, hàng xóm cũng không biết chính xác anh làm nghề nào, chỉ biết anh là bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Thậm chí, do tính chất và đặc thù công việc nên rất nhiều vụ việc phải đến khi cơ quan điều tra thông tin, anh mới biết nạn nhân ấy do mình đến giám định pháp y. Như vụ án giết chủ nợ ở khu vực phường Nam Thành, khi báo chí thông tin rộng rãi, anh mới biết đó là vụ trọng án được nhiều người quan tâm. Còn khi trong vai trò một giám định viên, anh cố gắng thực hiện trên cơ sở đảm bảo hành lang pháp lý, chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, chịu sự giám sát của cơ quan tiến hành tố tụng.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi cuộc điện thoại nhắc nhở công việc, bác sỹ Hải lại có một cuộc giám định liên quan đến ngành y. Trước khi ra về, anh cười bảo: Các nhà báo còn uống được nước khi nghe chuyện, chứ nhiều người không dám uống. Thậm chí, có lần đi nhờ xe để đến nơi giám định, có người còn không muốn cho đi nhờ vì… sợ kinh và bẩn. Suốt dọc hành lang bệnh viện để ra nơi gửi xe, không hiểu sao lòng tôi nặng trĩu, bất chợt nhớ đến câu hát "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/Gian khổ biết dành phần ai"…
Bùi Diệu