Ngay sau khi Nghị quyết số 33 được ban hành, công tác tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh đã được triển khai kịp thời, nghiêm túc, sâu rộng.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết số 33, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong ngắn hạn và định hướng tầm nhìn dài hạn. Cụ thể là BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 23 ngày 28/7/2014 về thực hiện Nghị quyết số 33. Tinh thần Nghị quyết số 33 được thể hiện cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI; được BCH Đảng bộ tỉnh khóa XXI xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác toàn khóa, chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 10 ngày 26/6/2017 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững; ban hành Chỉ thị số 10 ngày 19/9/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên. HĐND, UBND tỉnh đã ban hành trên 30 nghị quyết, chương trình, kế hoạch, quyết định nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết số 33.
Nghiêm túc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nên khi thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 33, tỉnh ta đã bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và có nhiều sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, đạt hiệu quả cao.
Nổi bật là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo, chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hội thảo khoa học cấp tỉnh, cấp quốc gia, các sự kiện chính trị, văn hóa; tăng cường các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh nhằm nghiên cứu, xác định truyền thống lịch sử, văn hóa, giáo dục, khơi dậy niềm tự hào và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xác định đặc trưng văn hóa, con người Ninh Bình. Trong đó, năm 2017 đã phối hợp với Trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thành công Hội thảo "Văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững", làm cơ sở khoa học để Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 10 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững, trong đó xác định những đặc trưng văn hóa con người Ninh Bình. Năm 2018 phối hợp với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về "Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam". Hội thảo đã đi đến sự đánh giá thống nhất cao, nâng tầm nhận thức về vị trí, vai trò vô cùng quan trọng của Nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử phát triển của Việt Nam.
Đặc biệt, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể. Hàng năm, Tỉnh ủy đã xác định rõ chủ đề công tác của năm gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, trong đó Chủ đề năm 2016 là "Xây dựng nếp sống văn hóa công sở"; năm 2017 là "Nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ; xây dựng phong cách, tác phong công tác quần chúng, dân chủ, nói đi đôi với làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu"; năm 2018 là "Nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ; xây dựng phong cách, tác phong công tác quần chúng, dân chủ, nói đi đôi với làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu"; năm 2019 là "Nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ; xây dựng phong cách công tác quần chúng, dân chủ; tôn trọng Nhân nhân, chăm lo đời sống Nhân dân; nói đi đôi với làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu".
Năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ vào sáng thứ hai của tuần đầu tháng thống nhất ở tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh. Sau nghi thức chào cờ, hát Quốc ca là những câu chuyện kể về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ, liên hệ thực tiễn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để học tập, làm theo Bác. Năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện thêm nội dung biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc tại buổi sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần và ghi danh vào cuốn sổ "Nêu gương" của từng đơn vị. Đến cuối năm 2018, đã có 2.733 tập thể, 1.883 cá nhân được tuyên dương và ghi danh vào sổ nêu gương của các đơn vị. Đến nay việc sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đã thành nền nếp, là hoạt động sinh hoạt chính trị, nét đẹp văn hóa nơi công sở, cơ quan, đơn vị, tạo sức lan tỏa trong học tập và làm theo gương Bác, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ.
Tỉnh ta hiện có 1.499 di tích, trong đó có 360 di tích đã xếp hạng, gồm 79 di tích cấp Quốc gia, trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 1 di sản thế giới và 279 di tích cấp tỉnh; 24.230 hiện vật bảo tàng được lập hồ sơ lí lịch đưa vào quản lý, phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục truyền thống ở địa phương; 218 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã và đang được đầu tư, trùng tu, nâng cấp phục vụ nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân và phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu. Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn khá phong phú về loại hình, gồm nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán truyền thống... Đến nay đã thống kê được 312 di sản, các di sản phi văn hóa vật thể được bảo tồn, phát huy; 2 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển du lịch. Các lễ hội truyền thống như Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Báo bản Yên Từ, Lễ hội làng Bình Hải, Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ, Lễ hội đền Thái Vi... được duy trì và tổ chức thực hiện nền nếp, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho nhân dân. Tỉnh đã ban hành và triển khai 3 đề án bảo tồn văn hóa phi vật thể đó là: Lễ hội Hoa Lư, nghệ thuật hát Xẩm và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Đặc biệt, tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia trong nước và các chuyên gia quốc tế xây dựng hồ sơ di sản thế giới, để Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kịp thời ban hành Nghị quyết số 02 ngày 17/8/2016 về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020. Đồng thời quan tâm phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một như: Hát Xẩm, hát Chèo, hát Văn, hát Rằng thường. Mở rộng giao lưu, hợp tác với các địa phương trên cả nước và quốc tế, đảm bảo sự đan xen, hài hòa giữa các loại hình nghệ thuật, văn nghệ truyền thống và hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 27 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác tôn giáo trong tình hình mới; Quy chế số 796 về phối hợp hoạt động công tác tôn giáo tỉnh Ninh Bình; Chương trình hành động số 02 về thực hiện Kết luận số 57 của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo công tác tôn giáo để chỉ đạo thống nhất trong hệ thống chính trị thực hiện công tác tôn giáo. Các chức sắc tôn giáo được tỉnh cấp Báo Ninh Bình; kể từ năm 2015, hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều chỉ đạo ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tổ chức gặp mặt giao lưu với chức sắc các tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo luôn được tạo điều kiện hoạt động và tăng cường hiểu biết, đoàn kết, chung tay xây dựng xã hội tốt đẹp.
Xuân Trường