Đặc biệt, hơn 3 năm trở lại đây, kể từ khi Ninh Bình và Bạc Liêu ký kết lại Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ninh Bình - Bạc Liêu (18-4-2013), mối tình son sắt, thủy chung ấy càng được nhân lên gấp bội, trở thành niềm tin, niềm tự hào để Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh cùng hướng về nhau và thực hiện hiệu quả hơn những gì đã nói, đã nghe, đã hứa và đã ký kết.
Có dịp gặp gỡ những người con quê hương Ninh Bình từng công tác ở Bạc Liêu hay những người con Bạc Liêu từng tập kết ra Bắc, tất cả đều khẳng định họ có 2 quê hương, cả Ninh Bình yêu thương và Bạc Liêu yêu dấu. Ông Nguyễn Bĩnh Nguyệt (tên thường gọi là Năm Dũng), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải, những năm 1960 là một trong số hàng vạn cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc với mục đích vừa góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đào tạo, bồi dưỡng chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Nửa thế kỷ đã trôi qua, những cán bộ, bộ đội, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc như ông Năm Dũng khi ấy, nay đều đã ở vào tuổi "xưa nay hiếm", nhưng ký ức về một thời gắn bó sâu nặng nghĩa tình giữa những người miền Nam tập kết với đồng bào miền Bắc vẫn còn mãi trong ký ức.
Đó không chỉ là sự chia sẻ, nhường nhịn về miếng cơm, manh áo, mà hơn cả là sự quan tâm, tình cảm gắn bó thân tình đối với những người con xa gia đình, xa người thân, được đùm bọc, chia sẻ, động viên trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, ở thời điểm cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn do chiến tranh. Vì vậy mà nhiều năm nay, mặc dù sức khỏe không cho phép, nhưng năm nào ông Năm Dũng cũng cố gắng thu xếp để đến dự họp mặt Hội đồng hương Ninh Bình tại Bạc Liêu. Không những vậy, ông Năm Dũng còn hết lòng, hết sức vun vén, xây đắp mối quan hệ Bạc Liêu-Ninh Bình ngày càng gắn bó, sâu đậm.
Đối với ông Nguyễn Phúc Tài, hiện là Chủ tịch Hội đồng hương Ninh Bình tại Bạc Liêu thì Bạc Liêu không chỉ là quê hương thứ 2 mà còn là nơi ông gắn bó gần hết cả cuộc đời. Hơn 40 năm trước, ông Tài khi ấy vừa tốt nghiệp Đại học ngành Thú y đã từ giã quê hương Gia Viễn theo Đoàn cán bộ miền Bắc tăng cường lên đường vào miền Nam. Điểm đến đầu tiên của người cán bộ trẻ này là một huyện của tỉnh Vĩnh Long, nhưng rồi như một cơ duyên định sẵn, người thanh niên đầy nhiệt huyết ngày ấy đã đến và gắn bó đời mình với vùng đất Bạc Liêu giàu nghĩa tình. Bây giờ, khi đã là một cán bộ hưu trí, ông Nguyễn Phúc Tài luôn nghĩ rằng đã may mắn khi đặt chân đến Bạc Liêu, gắn bó với vùng đất này và có thêm bao anh em, bạn bè và người thân ruột thịt nơi đây.
Không chỉ riêng ông Nguyễn Phúc Tài, nhiều cán bộ, chiến sỹ và người dân Ninh Bình đã và đang gắn bó, có cuộc sống ổn định tại tỉnh Bạc Liêu. Nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo tại các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở của Bạc Liêu. Bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, tỉnh Bạc Liêu đã quan tâm tạo mọi điều kiện để cán bộ và bà con Ninh Bình công tác, học tập, sản xuất, kinh doanh tại Bạc Liêu. Trong tổng số gần 600 hộ gia đình có nguồn gốc quê hương Ninh Bình, hiện có 350 hộ khá và giàu, chỉ còn vài ba hộ nghèo, còn khó khăn. Nhiều người Ninh Bình đã và đang là chủ doanh nghiệp làm ăn phát đạt, hộ gia đình kinh tế khá, giàu, từ đời cha mẹ đến đời con, cháu đang tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ cho tỉnh Bạc Liêu. Và điều đáng mừng hơn, các cán bộ và nhân dân người Ninh Bình ở Bạc Liêu đều có mối quan hệ rất tốt với cán bộ và cộng đồng dân cư nơi đây, tất cả đều xem Bạc Liêu là quê hương thứ hai của mình, nỗ lực góp sức xây dựng Bạc Liêu ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, với bao thăng trầm của đất nước, của hai tỉnh, nhưng mối tình kết nghĩa ấy vẫn vững vàng và ngày càng sâu sắc hơn. Cả hai tỉnh đã nâng niu, trân trọng nhau và có với nhau nhiều sự kiện lịch sử, nhiều công trình ghi đậm dấu ấn, thể hiện mối tình keo sơn, gắn bó giữa hai tỉnh. Tại Bạc Liêu, đó là những công trình văn hóa, giao thông, thủy lợi như: Đường Ninh Bình, cầu Kim Sơn, cầu Tràng An, cầu Gia Viễn hay những ngôi trường mang tên quê hương Ninh Bình kết nghĩa như: Trường THCS Bạc Liêu - Ninh Bình, Trường mẫu giáo Ninh Bình, Trường Tiểu học Yên Khánh, Trường Tiểu học Hoa Lư …
Và ở Ninh Bình cũng vậy, theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, đã có hàng chục công trình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội mang tên các địa danh của tỉnh Bạc Liêu như: Trường THCS, THPT Ninh Bình - Bạc Liêu, cầu Chà Là (thành phố Ninh Bình); rạp Kim Mâu, đoạn sông Bạc Liêu, cống Biện Nhị (huyện Kim Sơn) và nhiều công trình như trạm bơm, kênh mương, dòng sông, tuyến đường… ở khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh mang tên, địa danh của tỉnh Bạc Liêu... Đặc biệt, tại Bảo tàng Ninh Bình hiện đang lưu giữ 2 hiện vật là lá cờ Đảng và chiếc áo của chị Tô Thị Tẻ (một điển hình xuất sắc trong cuộc đấu tranh chính trị chống Mỹ - Ngụy của tỉnh Bạc Liêu) do Tỉnh ủy Cà Mau tặng cho Tỉnh ủy Ninh Bình … Tất cả là những biểu tượng cụ thể, sống động, minh chứng cho mối tình kết nghĩa thủy chung, son sắt giữa hai tỉnh Ninh Bình - Bạc Liêu theo năm tháng không thể nhạt phai.
Hiện nay, 100% các huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình đã tổ chức các cuộc giao lưu, liên kết phát triển với các địa phương của tỉnh Bạc Liêu. Cụ thể như, thành phố Ninh Bình kết nghĩa với thành phố Bạc Liêu; thành phố Tam Điệp kết thân với huyện Giá Rai; huyện Yên Khánh trao đổi với huyện Hòa Bình; huyện Hoa Lư kết nghĩa với huyện Vĩnh Lợi; huyện Kim Sơn kết nghĩa với huyện Đông Hải; huyện Gia Viễn kết nghĩa với huyện Hồng Dân; huyện Yên Mô và Nho Quan kết nghĩa anh em với huyện Phước Long.
Cùng với đó, nhiều sở, ngành, tổ chức hội, đoàn thể, Trường Đại học của hai tỉnh cũng ký kết hợp tác, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác. Sau hơn 3 năm, các ngành, địa phương của hai tỉnh đã tổ chức hàng chục đoàn công tác đến thăm, giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Cùng với đó là những việc làm đầy ý nghĩa, mang tính nhân văn được thực hiện trên địa bàn hai tỉnh, như các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật; hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa; trợ giúp trong lĩnh vực an sinh xã hội; ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài; tổ chức trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó… trị giá hàng chục tỷ đồng.
Có thể nói, hơn nửa thế kỷ trôi qua, đặc biệt sau hơn 3 năm thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai tỉnh Ninh Bình - Bạc Liêu, mối tình kết nghĩa sâu nặng giữa Ninh Bình - Bạc Liêu vẫn nguyên vẹn, thắm thiết và bền vững theo thời gian. Những "nhân chứng sống" đã từng đến, sinh sống và làm việc tại Ninh Bình, Bạc Liêu, những công trình văn hóa, giao thông, thủy lợi… mang tên những địa danh của Ninh Bình trên đất Bạc Liêu và của Bạc Liêu trên đất Ninh Bình đã, đang và sẽ mãi là những biểu tượng sống động, rõ nét nhất về nghĩa tình sâu sắc giữa hai địa phương của hai miền Nam-Bắc. Những thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau sẽ mãi trân trọng, giữ gìn và vun đắp thêm cho mối tình ấy ngày càng keo sơn, gắn bó và trường tồn mãi mãi, bởi trong Bạc Liêu luôn có một Ninh Bình yêu dấu và ở Ninh Bình mãi có một Bạc Liêu yêu thương.
Mỹ Hạnh