Đợt không khí lạnh tăng cường khiến cho cụ Trương Văn Miên - lão thành cách mạng ở thôn Hội Tiến 1 xã Quỳnh Lưu - lại yếu đi nhiều. Thế nên, các em nhỏ của trường THCS Quỳnh Lưu cũng nhỏ nhẹ hơn khi đến thăm cụ như thường lệ. Được phân công từ trước, một vài bạn nhẹ nhàng dọn dẹp nhà cửa, bạn thì vừa ngồi bóp chân cho cụ và thủ thỉ kể cho cụ nghe thành tích học tập của lớp. Sự chăm sóc nhỏ bé những đẫm tình yêu thương ấy dường như làm cho cơn mệt mỏi của cụ Miên phải tan biến. Cụ lại hào sảng kể cho các bạn nhỏ nghe về lịch sử quê hương. Và dù lần nào tới cũng được nghe cụ Miên kể chuyện, song chưa lần nào các em cảm thấy câu chuyện đó là cũ. Cụ Miên kể, trước Cách mạng tháng 8, Quỳnh Lưu là nơi đầu tiên ở Ninh Bình thành lập chi bộ Đảng. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Quỳnh Lưu đã đóng góp sức người, sức của và là một trong những địa bàn, hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến. Hàng ngàn người con của Quỳnh Lưu hăng hái lên đường nhập ngũ, trong đó có 188 người con kiên trung đã anh dũng hi sinh, 81 thương binh đã bỏ lại một phần xương máu nơi chiến trường… Những đóng gốp to lớn ấy của Quỳnh Lưu đã được Đảng và Nhà nước dành cho những phần thưởng cao quý, điển hình như năm 1950 được Hồ Chủ tịch gửi thư khen ngợi về thành tích xóa nạn mù chữ; năm 1998 được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, địa phương còn được Đảng và Nhà nước tặng cho tập thể và cá nhân 2427 huân huy chương và hàng ngàn bằng khen…
Đồng chí Đinh Ngọc Thu, phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Lưu cho biết: Những trang vàng lịch sử của địa phương đã trở thành niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân Quỳnh Lưu. Kế thừa truyền thống ấy, Đảng ủy, UBND xã càng có ý thức hơn về lòng tri ân đối với những người con ưu tú của đất nước đã hi sinh vì độc lập dân tộc. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, song xã vẫn dành sự ưu tiên đặc biệt cho công tác chăm lo đời sống cho gia đình người có công. Bên cạnh việc giải quyết các chế độ chính sách đối với người có công được thực hiện chặt chẽ, kịp thời, đúng đối tượng, xã xác định, để công tác đền ơn đáp nghĩa đạt kết quả cao thì mấu chốt phải giúp cho mọi người dân thấy được chăm sóc gia đình người có công vừa là trách nhiệm, nhưng cũng vừa là niềm tự hào của mỗi người dân Quỳnh Lưu.
Theo đó, xã Quỳnh Lưu đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Bởi vậy, mà từ nhiều năm nay, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", toàn dân chăm sóc đời sống thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng của địa phương đã không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu và đạt được những kết quả quan trọng, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội cùng tham gia chăm sóc người có công.
Phong trào đã được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội và đông đảo tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ bằng nhiều hoạt động cụ thể mang tính xã hội hóa cao. Đó là các phong trào: chăm sóc thương binh, liệt sỹ; dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách; đón thương binh về an dưỡng tại gia đình… đã phát huy hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, mặc dù đời sống của nhân dân Quỳnh Lưu còn nhiều khó khăn, song khi được vận động xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" thì ai cũng tự nguyện, hăng hái tham gia. Hàng năm, số tiền vận động xây dựng quỹ đều đạt từ 6-8 triệu đồng. Số tiền mang nặng nghĩa tình này được sử dụng vào những việc làm rất có ý nghĩa như: tu bổ nghĩa trang liệt sỹ, tặng quà, thăm hỏi đối tượng người có công, hỗ trợ một phần cho việc di chuyển, cất bốc, mai táng hài cốt liệt sỹ…Từ năm 2007-2013, bằng số tiền quyên góp được, xã đã xây mới và sửa chữa 12 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng. Riêng năm 2013, xã đã làm mới được 1 ngôi nhà với số tiền 50 triệu đồng và cải tạo 3 căn nhà trị giá 100 triệu đồng.
Bên cạnh việc tích cực, gương mẫu, đi đầu trong phong trào xây dựng quỹ, đóng góp ngày công trong việc xây dựng và sửa chữa nhà ở cho gia đình hộ chính sách, các tổ chức hội như: Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên… còn sáng tạo, linh hoạt tạo nên các cách làm riêng trong việc chăm sóc gia đình người có công. Điển hình như Đoàn thanh niên với công tác chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, thắp nến tri ân dịp 27-7; Hội Cựu chiến binh, Hội nông dân còn triển khai nhiều giải pháp giúp đỡ, chăm lo có hiệu quả tới đời sống gia đình người có công như; tư vấn cho họ trong tổ chức sản xuất, tín chấp vay vốn, đào tạo nghề cho con em người có công, giúp cho nhiều hộ có thêm việc làm với mức thu nhập ổn định… Hội phụ nữ phân công các hội viên gần gũi, chăm sóc và giúp đỡ gia đình chính sách trong việc cấy, gặt… Các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn như: Lữ đoàn phong không 241, Lữ đoàn 202, trường THPT Nho Quan A cũng rất tích cực tham gia vào phong trào Đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm thiết thực như: vận động đóng góp xây nhà tình nghĩa , tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho trên 100 gia đình chính sách… Những việc làm đậm tính nhân văn này là động lực lớn khuyến khích các hộ gia đình chính sách vươn lên. Nhiều anh, chị em thương, bệnh binh đã đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi, có cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Điển hình như gia đình thương binh Trương Xuân Đào; Nguyễn Hữu Thuận hay Nguyễn Văn Vịnh… Một kết quả đáng ghi nhận là hiện nay, Quỳnh Lưu cơ bản không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách.
Vào ngày 27-7 hàng năm, UBND xã trích kinh phí để quét vôi ve, tu sửa nhà bia đảm bảo khang trang, sạch đẹp để đón thân nhân gia đình chính sách, cán bộ, nhân dân đến thắp hương tri ân, tỏ lòng biết ơn đối với hương hồn các liệt sỹ. Và, như điều tất yếu, chăm sóc cho gia đình người có công đối với mỗi người dân Quỳnh Lưu đã không chỉ là trách nhiệm mà trở thành truyền thống, là lẽ sống và là niềm vinh dự lớn lao. Đó chính là những ngọn nến tri ân ý nghĩa nhất đối với những người con ưu tú của quê hương đã hi sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc.
Đào Hằng