Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, huyện Yên Khánh đã tập trung lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ; xây dựng, hoàn thiện các mô hình tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất cây vụ đông; vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; hình thành và phát triển các vùng chuyên canh, vùng trồng cây nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Sau 5 năm, cơ cấu cây trồng được chuyển đổi, tập trung vào giống lúa chất lượng cao (chiếm 65% diện tích gieo cấy), bố trí 100% diện tích lúa xuân muộn, mùa sớm để sản xuất vụ đông; đi đầu thực hiện cánh đồng mẫu lớn, quy mô 700 ha ở 7 xã vụ đông xuân năm 2012, mở rộng lên 1.700 ha ở tất cả các xã, thị trấn vụ đông xuân năm 2013; mở rộng diện tích gieo sạ đạt trên 20% diện tích gieo cấy. Thực hiện dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng ở 2 xã Khánh Thành, Khánh Nhạc, bình quân còn 1,1 thửa/hộ. Tiếp tục chỉ đạo toàn huyện hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa trong năm 2014, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí, từng bước khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có trên 400 máy làm đất cỡ trung, 121 máy gặt đập liên hợp. Từ vụ đông xuân 2010 đã triển khai thực hiện dự án sản xuất lúa giống thuần chất lượng cao, quy mô 200 ha, năm 2012 mở rộng lên 400 ha, chủ động được một phần lớn giống lúa chất lượng cao cho huyện, cho tỉnh và khu vực, khắc phục sự phụ thuộc vào các giống lúa nhập ngoại. Đây là mô hình được đánh giá thành công của sự liên kết "4 nhà" về sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, tạo cơ sở cho mở rộng liên kết, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Sản xuất vụ đông luôn đứng đầu tỉnh về diện tích và giá trị, nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao được đưa vào gieo trồng như bí xanh, ngô ngọt, dưa bao tử, rau các loại… Vụ đông đang trở thành vụ sản xuất chính, bình quân hàng năm đạt trên 4.800 ha, trong đó có trên 65% diện tích trồng trên đất hai lúa; giá trị sản xuất vụ đông năm 2012-2013 đạt 46,7 triệu đồng/ha (tăng 28,43 triệu đồng/ha so với năm 2008). Sản xuất và chế biến nấm được tập trung chỉ đạo đạt hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần giải quyết phụ phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường. Năm 2012, sản lượng nấm tươi đạt 2.230 tấn, giá trị sản phẩm đạt 39,3 tỷ đồng, tăng 834 tấn so với năm 2008. Chăn nuôi phát triển theo quy mô trang trại, gia trại, sản xuất hàng hóa. Toàn huyện có 255 cơ sở sản xuất, kinh doanh giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp với vốn đầu tư mỗi cơ sở từ 300 triệu đồng đến 3 tỷ đồng; góp phần cung cấp hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân... Bằng các chủ trương, giải pháp đúng hướng, tích cực và hiệu quả, diện tích gieo trồng hàng năm bình quân đạt 21.500 ha; sản lượng lương thực có hạt hàng năm bình quân đạt 97.000 tấn (tăng 4.100 tấn so với năm 2008). Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác tăng cao, năm 2008 là 69 triệu đồng/ha, năm 2012 là 120 triệu đồng/ha, năm 2013 ước đạt 125 triệu đồng/ha, tạo bước phát triển mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp của huyện.
Để đẩy mạnh, phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đến năm 2015, Yên Khánh đã đề ra những giải pháp cụ thể nhằm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn, nhất là công nghiệp chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ vận tải đường thủy, phát huy lợi thế ven sông Đáy; phát huy hiệu quả của nhà máy chế biến thức ăn gia súc và làng nghề chế biến nông sản trên địa bàn trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Duy trì, phát triển 7 làng nghề hiện có, chú trọng phát triển các nghề, làng nghề sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ: chế biến cói, thêu ren, mộc, nề, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Năm 2012, cơ cấu kinh tế 3 nhóm ngành: nông nghiệp-công nghiệp chiếm 30%, xây dựng chiếm 51%, dịch vụ chiếm 19%.
Thực hiện phương châm "ly nông bất ly hương",Yên Khánh đã tổ chức các lớp dạy nghề, đào tạo nghề cho nông dân, bình quân mỗi năm hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 500 lao động; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt gần 40%, giải quyết việc làm cho 3.600 lao động/năm, có gần 10 nghìn lao động nông thôn làm việc trong Khu công nghiệp, 87% lao động nông thôn có việc làm.
Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả, nông dân được tiếp cận vay 2,2 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện, 346 tỷ đồng do các tổ chức đoàn thể ký hợp đồng ủy thác cho vay, nhận trả chậm 1.700 tấn phân bón để phát triển kinh tế. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 8,53%, không còn hộ đói. Trong 5 năm đã có 345 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà dột nát theo chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện... Hệ thống giáo dục, y tế tiếp tục được tăng cường, Bệnh viện và Trung tâm y tế huyện được đầu tư, nâng cấp; 17/19 xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế; 12/19 trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ, trên 63% người dân tham gia BHYT. Hiện nay, toàn huyện có 83,4% phòng học được kiên cố hóa, 47/62 trường Mầm non, Tiểu học, THCS và 1 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia, 11/22 trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, Trường THPT Yên Khánh A đạt danh hiệu Biểu tượng vàng nguồn nhân lực Việt Nam năm 2011. Nhiều năm liền giáo dục Yên Khánh luôn ở tốp đầu của tỉnh. 15 xã, thị trấn có công trình cấp nước sạch, 93% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 18/19 xã, thị trấn thực hiện mô hình thu gom, xử lý rác thải.
Phong trào xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo được phong trào thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa cao. Trong 3 năm có khoảng 712 tỷ đồng được đầu tư xây dựng, trong đó vốn ngân sách 464 tỷ đồng, ngân sách xã 78 tỷ đồng; nhân dân hiến 79.474m2 đất, trị giá 20 tỷ đồng và đóng góp kinh phí, vật liệu, công lao động trị giá 22 tỷ đồng; các doanh nghiệp hỗ trợ 9,9 tỷ đồng; con em quê hương đóng góp 21 tỷ đồng... Nguồn vốn này tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi gắn với giao thông nông thôn; nạo vét gắn với kè hầu hết các kênh trục cấp I, cấp II phục vụ sản xuất.
Giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới, gắn với mạng lưới giao thông quốc gia, 100% đường trục xã, liên xã được bê tông hoặc nhựa hóa, 90% đường ngõ xóm được bê tông. Năm 2012 và 2013, các xã, thị trấn tiếp nhận 13.600 tấn xi măng do tỉnh và huyện hỗ trợ, làm mới được gần 110 km đường bê tông, đã làm thay đổi lớn về hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Hệ thống điện nông thôn từng bước được nâng cấp, cơ bản bàn giao cho ngành điện quản lý. Hệ thống thương mại, các chợ từng bước được nâng cấp theo tiêu chí nông thôn mới. Sau 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đã có 3 xã đạt 15 tiêu chí vững chắc; 3 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 12 xã đạt từ 7- 9 tiêu chí. Riêng 3 xã Khánh Thành, Khánh Thiện, Khánh Phú được Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh chọn để chỉ đạo đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới trong năm 2013...
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 7-NQ/T.Ư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Yên Khánh đã rút ra những kinh nghiệm bước đầu là: Tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền, quán triệt để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất về quan điểm để đề ra được các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp. Có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Quan tâm thu hút và thực hiện đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; coi trọng huy động các nguồn lực tại chỗ và sự tham gia của người dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn...
Thanh Chiên