Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới có dịp trở lại Quèn Thờ, xã Đông Sơn. Đi giữa màu xanh bạt ngàn của những vườn đồi, rừng cây, chúng tôi cảm nhận được sự trù phú, thanh bình của mảnh đất nơi đây. Lại được nghe câu chuyện kể về những con người một thời gian khó đi mở đất, xây dựng cuộc sống mới trên vùng đất hoang sơ thủa nào. Và theo lời giới thiệu của đồng chí cán bộ xã, chúng tôi tìm đến nhà chị Trịnh Thị Khiếu ở thôn 12, một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của thị xã.
Đón chúng tôi trong ngôi nhà mái ngói khang trang, bên ấm trà nóng, chị Khiếu bồi hồi nhớ lại những ngày tháng cơ cực năm xưa. Cách đây đã hơn 20 năm, chị xây dựng gia đình ở Yên Thái, huyện Yên Mô nhưng vùng đất quê hương quanh năm lụt lội, đất chật người đông, cuộc sống khó khăn nên đến năm 1993, chồng chị tìm đến vùng đất Quèn Thờ để làm thuê. Sau hai năm tích lũy, học hỏi kinh nghiệm từ những người đồng hương đi trước, anh đã thuyết phục vợ con rời quê vào khai hoang, phục hóa mảnh đất hoang vu để phát triển kinh tế gia đình.
Những năm tháng đầu tiên đối với vợ chồng chị ở vùng quê mới gặp biết bao khó khăn, vất vả. Khởi đầu là chỉ là đôi bàn tay trắng, vốn liếng chẳng có, công việc lại cơ cực, nặng nhọc song điều khó khăn nhất chính là sống giữa cảnh núi rừng hoang vu, chỉ có đường mòn và ngôi nhà tranh vách đất với ngọn đèn dầu. Mỗi khi bão gió, cuộc sống, sinh hoạt cả gia đình chẳng có phút yên ổn, ba con nhỏ sợ hãi ôm chặt lấy nhau trong ngôi nhà tạm bợ, mong cho bão chóng qua đi. Tuy nhiều khó khăn là vậy song vẫn không làm lung lay ý chí của vợ chồng chị. Bằng sức lao động cần cù, chăm chỉ theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu gia đình chị nhận khoanh nuôi, bảo vệ hơn 6 ha đất lâm nghiệp trồng keo, cây lương thực, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Đến năm 2005, được xã tạo điều kiện cho vay 25 triệu đồng từ nguồn vốn nhận ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội, vợ chồng chị tính toán chuyển sang nuôi trồng các loại cây con đặc sản có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu thị trường, đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi hươu, nhím, lợn mường và trồng cây dược liệu như: sưa, quế...Với số vốn ít ỏi, vợ chồng chị lặn lội lên tận Cúc Phương để mua 1 con hươu, 1 cặp nhím và 3 con lợn cắp nách làm giống. Vừa học hỏi, vừa đúc rút kinh nghiệm, vợ chồng anh chị đã thành công trong nuôi hươu, nhím và lợn rừng. Đất không phụ công người, năm 2008, những con nuôi đặc sản đầu tiên đã mang lại cho gia đình khoản thu nhập 30 triệu đồng từ việc bán hươu giống. Từ đây, gia đình đầu tư mở rộng thêm chuồng trại tiếp tục nuôi hươu, nhím, lợn rừng và nuôi thêm thêm gà thả vườn, gà đẻ trứng. Kinh tế ngày một đi lên, gia đình chị đã thoát nghèo, trở thành hộ có kinh tế khá trong vùng. Bình quân mỗi năm gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi con đặc sản và làm kinh tế đồi rừng.
Những tưởng cuộc sống êm đềm cứ thế trôi đi thì đến năm 2010, một cú sốc lớn giáng xuống đầu chị Khiếu và các con khi người chồng đột ngột qua đời. Chị choáng váng tưởng như không đứng vững nổi. Song nghĩ đến gia đình còn 3 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn và cả cơ nghiệp mà hai vợ chồng đã đổ bao công sức gây dựng, chị quyết tâm đứng dậy vượt qua đau thương, mất mát thay chồng gánh vác cuộc sống gia đình, nuôi các con khôn lớn. Một mình chị tần tảo cùng các con ngày ngày lên rừng phát quang cây bụi trồng thêm nhiều cây rừng và chăm sóc cho đàn vật nuôi sinh sôi, nảy nở.
Không chỉ cần cù, chăm chỉ làm kinh tế giỏi, chị Khiếu còn tích cực tham gia các phong trào hoạt động ở địa phương. Hôm chúng tôi tới, chị vui vẻ cho biết chị vừa cùng các hộ trong thôn phối hợp với lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương tham gia luyện tập phòng chống cháy rừng. Nhìn người phụ nữ với vóc dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn, chúng tôi không khỏi khâm phục bởi nghị lực vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất khó.
Với những kết quả đã đạt được, chị Khiếu được Hội phụ nữ thị xã Tam Điệp tặng giấy khen trong phong trào thi đua "Phụ nữ làm kinh tế giỏi".
Bài, ảnh: Thùy Phương