Khuôn mặt vuông vắn, khá điển trai, anh Trần Ngọc Hòe, ở xã Trường Yên trẻ hơn nhiều so với cái tuổi ngoài 40 tuổi. "Mới nhìn thì không ai biết tôi là người khuyết tật đâu. Sớm mắc căn bệnh loãng xương cơ tiến triển nên khả năng đi lại của tôi ngày càng khó khăn, tôi buộc phải nghỉ học từ năm lên lớp 7, gác lại bao hoài bão của tuổi trẻ, tôi đành phải ở nhà để… bố mẹ nuôi"- anh Trần Ngọc Hòe trải lòng đầy nuối tiếc. Và rồi tình cờ anh biết đến nghệ thuật làm tranh giấy quiiling do một nhóm người khuyết tật ở Hà Nội đang làm và đào tạo nghề. Sau 2 tháng học nghề, anh Hòe đã có thể tự làm ra sản phẩm và bắt đầu kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ làm tranh. Với hơn 3 triệu đồng/tháng, số tiền không nhiều, song cũng đủ để anh tự trang trải cuộc sống cho bản thân mình. Hơn thế nữa, càng gắn bó với nghề làm tranh, anh Hòe càng thêm yêu thích, đam mê.
Trong quá trình làm việc, được tiếp xúc, bầu bạn với những người cùng cảnh ngộ, đã khiến cuộc sống của anh thêm lạc quan, tươi đẹp hơn. Và rồi, anh Hòe bất ngờ đưa ra một quyết định táo bạo là đưa nghề làm tranh quilling về với quê hương Ninh Bình. "Trong hành trình mạo hiểm này, tôi còn có sự ủng hộ của gia đình và tham gia tích cực của 2 người bạn cùng cảnh ngộ khác. Động lực này sẽ giúp tôi vượt qua những thử thách trước mắt"- anh Hòe nói. Hai người bạn mà anh Hòe nhắc tới, đó là chị Hà Thị Tụy và Vũ Thị Hương quê ở Bắc Kạn và cũng là những người có hoàn cảnh hết sức éo le. Cả hai chị đều bị bệnh tan máu bẩm sinh, tháng nào cả hai cũng phải mất 10 ngày đi điều trị ở Viện huyết học và truyền máu Trung ương, song khi quyết định về quê cùng anh Hòe đưa dòng tranh mới này về, lịch đi chữa bệnh được sắp xếp khác nhau để vẫn có người ở nhà phụ giúp anh Hòe.
Tham quan căn phòng nhỏ - nơi làm việc của 3 người khuyết tật giàu nghị lực, thấy có khoảng gần 20 bức tranh đã hoàn thành, trong đó quá nửa là bức tranh về cảnh sắc của quê hương Ninh Bình, nét duyên dáng của con người Cố đô Hoa Lư. Vừa tỉ mẩn, điêu luyện xếp những sợi giấy đủ màu vào khung tranh, anh Hòe hào hứng kể cho chúng tôi nghe về loại hình tranh này. Quilling là dòng tranh làm bằng giấy xoắn, nghĩa là dùng sợi giấy nhiều màu sắc đã được cắt thành sợi nhỏ đều nhau, gấp cuộn lại rồi khảm vào các bề mặt vật liệu khác nhau tạo thành bức tranh vô cùng độc đáo. Làm tranh quilling không khó, cần có thời gian, tâm tình và niềm hứng thú mà thôi. Để có sự đa dạng về mẫu mã, anh Hòe và nhóm bạn thường dựa vào tranh vẽ hoặc những bức họa có sẵn để làm theo bằng phong cách của quilling, nhất là giới thiệu những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp của đất Cố đô. Có những sản phẩm, nhóm của anh Hòe tự sáng tạo vì nó mang ý nghĩa mà nhóm muốn thể hiện.
"Điều hấp dẫn mình nhất ở quilling là tính bất ngờ của những sợi giấy vô tri. Chính vì thế, mình phải làm cho người xem nhận thức khác về những thứ tưởng chừng như vô tri, vô giác, mong manh ấy lại có ý nghĩa, có cuộc sống và có cảm xúc. Chúng uốn lượn với nhau, tạo nên những bức tranh sống động, có hồn"- Chị Tụy chia sẻ. Kỳ công là vậy, nhưng bước đầu việc tìm đầu ra cho sản phẩm của nhóm rất khó khăn.
Câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng bởi có một nhóm khách tới thăm quan phòng tranh. Sự tỉ mỉ, kỳ công và đầy sáng tạo của nhóm thợ đã thực sự lôi cuốn những du khách nước ngoài. Họ hào hứng khi được anh Hòe hướng dẫn cách cuộn giấy, cách dán giấy vào mỗi bức tranh. Lúc ra về, ai cũng mua một món quà nho nhỏ, đó là tấm thiệp hoặc chỉ là đôi khuyên tai được làm bằng giấy… nhưng có lẽ với họ, đó lại là cả một câu chuyện dài xúc động về nghị lực của những người làm tranh "đặc biệt" này.
Bài, ảnh: Đào Hằng