Điều kiện tự nhiên ở đây rất phù hợp cho sự phát triển của cây cói. Cây cói đã trở thành cây công nghiệp tiên phong, có giá trị kinh tế cao trên vùng đất mặn mới khai hoang ven biển, cửa sông. Chất lượng cói ở Kim Sơn được đánh giá rất cao với độ bền, dẻo, óng đẹp tự nhiên phù hợp với việc chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đòi hỏi độ tinh sảo cao.
Dân số của Kim Sơn năm là 170 nghìn người (trong đó 43% theo đạo Thiên chúa giáo). Hiện nay tại các xã Kim Mỹ, Kim Tân, Kim Trung, Cồn Thoi, thị trấn Bình Minh… là người dân của 10 tỉnh đến cư trú lập nghiệp. Đây là nơi hội tụ của nhiều vùng quê nên bản sắc văn hóa rất đa dạng song được định hình bền vững và rõ nét là con người Kim Sơn năng động, tính cách mạnh mẽ. Người dân Kim Sơn có đặc thù sống trong cái nôi làng nghề cói từ cách đây hàng trăm năm nên có đầy đủ tổ chất của một người thợ thủ công chân chính, một bàn tay khéo léo, sự nhạy bén, tính linh hoạt cao, sự nhanh nhạy và đam mê nghề nghiệp. Những tố chất này giúp cho họ đáp ứng được những đòi hỏi dù là khắt khe của cơ chế thị trường. Chính điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội đó đã tạo dựng nên nghề trồng cói, chế biến cói ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình nổi tiếng xa gần và được người dân tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng.
Huyện Kim Sơn đã thành công trong việc khảo nghiệm tập đoàn giống cói bao gồm cói bông nâu, cói cạnh lác, cói bông trắng dáng đứng, cói nhập nội từ Hàn Quốc và Nhật Bản để tuyển chọn được giống cói bông trắng dáng đứng có tỷ lệ độ dài cao, độ tròn tương đối giữa gốc và ngọn, cói chẻ khô có độ bền dẻo hơn và có tiềm năng năng suất cao hơn, đáp ứng cho nhu cầu chế tác đa dạng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.
Đồng thời với tuyển chọn giống cói, huyện Kim Sơn cũng đã quy hoạch vùng trồng cói áp dụng kỹ thuật tiến bộ tưới tiêu khoa học, kỹ thuật thâm canh tăng vụ để tăng năng suất và chất lượng cói nguyên liệu. Năm 1995, diện tích cói của Kim Sơn đạt 1.254 ha với sản lượng 9.506 tấn cói chẻ khô. Đến năm 2003, diện tích còn 924 ha nhưng tổng sản lượng đạt 12.608 tấn cói chẻ khô.
Nhưng rồi diện tích trồng cói suy giảm nhanh do phong trào chuyển đổi phá bỏ cây cói sang nuôi trồng thủy sản (tôm, cua) có giá trị thu nhập cao. Năm 2004, diện tích còn 604 ha, năm 2007 chỉ duy trì ở mức 475 ha do giá cói nguyên liệu xuống thấp (giá bình quân chỉ đạt 2000 đ/ kg) trong khi giá vật tư đầu vào: đạm, lân, kali, công lao động v.v… tăng cao. Sản lượng cói vì vậy chỉ đáp ứng được 1/3 số lượng cói nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến, số lượng cói nguyên liệu còn lại phải nhập từ Nga Sơn - Thanh Hóa.
Sản phẩm thủ công truyền thống chế tác từ cói.
Để chủ động nguồn nguyên liệu cói, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ hợp lý để đẩy mạnh nghề trồng, chế biến cói trên địa bàn. Những biện pháp thiết thực đó không chỉ góp phần hạn chế sự biến động bất thường về giá trong tình hình khủng hoảng tài chính toàn cầu mà còn góp phần thúc đẩy việc xây dựng vùng chuyên canh trồng cói nguyên liệu tập trung bền vững 1.000 ha từ phía tây đông Cà Mâu đến sông Càn bao gồm các xã Lai Thành, Định Hóa, Văn Hải, Kim Mỹ, Cồn Thoi, nông trường Bình Minh và mở rộng ra phía đông xã Văn Hải để đạt sản lượng 15.000 tấn cói nguyên liệu chất lượng cao cho các doanh nghiệp chế tác hàng cói mỹ nghệ xuất khẩu.
Về chế biến cói xuất khẩu ở huyện Kim Sơn được coi là nghề thủ công truyền thống đã được duy trì phát triển hàng trăm năm. Hàng cói truyền thống ở đây nổi bật là chiếu cải, chiếu đậu, thảm, làn v.v… không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn được các thị trường Liên Xô, Đông Âu ưa chuộng. Đến thập kỷ 90 do sự biến động của thị trường Đông Âu, hàng cói đã có bước đột biến chuyển đổi sang hướng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bao gồm: khay, hộp, đĩa, tách, túi xách, đồ nội thất vv…gồm nhiều chủng loại, kích thước, và hàng nghìn mẫu mã với kỹ thuật tinh xảo, đáp ứng được thị hiếu của thị trường Châu Âu, Châu Á, Châu Phi.
Hiện nay, để có được một sản phẩm như ý thì phải trải qua nhiều công đoạn: Doanh nghiệp chế biến cói kết hợp với Nhà xuất khẩu cói Việt nam và Nhà nhập khẩu cói nước ngoài thiết kế ra mẫu mã theo thị hiếu của thị trường. Số lượng mẫu được thiết kế ra để thực hiện đến thời điểm này có đến hàng nghìn mẫu. Các mẫu này được các nghệ nhân đan thử và khi đạt tiêu chuẩn thì hướng dẫn cho các hộ gia đình. Các nghệ nhân thực sự đóng vai trò là bộ phận sáng tạo kỹ thuật công nghệ của doanh nghiệp.
Đến thời điểm này chưa có đơn hàng nào dù là khó đến đâu mà các nghệ nhân chế tác cói Kim Sơn không làm được. Những đơn đặt hàng muốn có lô hàng như ý đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo, trong thời gian ngắn đều tìm đến hợp tác với Kim Sơn. Điều đó cho thấy năng lực đa dạng hóa sản phẩm trong chế biến cói của các doanh nghiệp ở huyện Kim Sơn. Nhờ vậy việc chế biến cói được phát triển sâu rộng trong toàn dân rất bền vững. Hiện tại ở Kim Sơn, 100% làng, xã đều tham gia chế biến cói với 4.463 cơ sở sản xuất, chiếm 50% cơ sở chế biến cói trong toàn tỉnh.
Nghề chế tác cói mỹ nghệ Kim Sơn còn được biết đến bởi những sáng tạo kỹ thuật trong việc chống ẩm, chống mốc cho loại sản phẩm đặc thù này. Được sự hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh, các doanh nghiệp đã thành công khi ứng dụng công nghệ sấy trong dây chuyến sản xuất gạch tuy-nen để sấy cói nguyên liệu và sản phẩm cói, đảm bảo vừa nâng cao chất lượng sấy, vừa tránh được những hỏa hoạn rủi ro thường hay xảy ra khi áp dụng phương pháp sấy thủ công truyền thống.
Các doanh nghiệp cũng đã thành công khi sử dụng keo Polyascera phủ lên bề mặt sản phẩm cói, vừa tạo được sự bền vững định hình kiểu dáng công nghiệp, vừa nâng cao khả năng chống mốc, chống ẩm cho sản phẩm. Chính các giải pháp công nghệ này bảo đảm trách được rủi ro cho các lô hàng khi vận chuyển theo đường biển hàng ngàn cây số không bị ẩm, mốc góp phần thúc đẩy nghề trồng, chế biến cói ở huyện Kim Sơn phát triển bền vững trong xu thế cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ chế tác từ cói.
Việc tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ làm từ cói của Kim Sơn được thực hiện theo chu trình: Hàng của từng hộ gia đình ---> Nhập vào doanh nghiệp để hoàn thiên ---> Hàng chuẩn được đóng kiện gửi đến nhà xuất khẩu Việt Nam ----> Hàng được chuyển cho nhà nhập khẩu nước ngoài --->Đến tay người tiêu dùng. Trong chu trình này thì thương hiệu của sản phẩm đã có hay chưa thường do Nhà xuất nhập khẩu Việt Nam dán nhãn. Người sản xuất hay đại diện là các Doanh nghiệp chỉ làm nhiệm vụ hoàn thiện sản phẩm sao cho đẹp nhất, chất lượng tốt nhất để đáp ứng yêu cầu của đơn đặt hàng.
Người sản xuất thường rơi vào thế bị động, chỉ khi nhận được đơn đặt hàng nước ngoài họ mới có nhiều việc làm bởi thực tế thị trường nội địa là không lớn. Người sản xuất bị thiệt thòi vì sản phẩm họ làm ra bị đánh đồng với sản phẩm của khu vực khác. Người tiêu dùng nước ngoài chỉ biết họ đang dùng sản phẩm của Việt Nam nhưng còn làm ở đâu, bởi những con người như thế nào thì họ không nắm được.
Để khắc phục tình trạng này, các nhà khoa học, nhà quản lý của tỉnh Ninh Bình và huyện Kim Sơn đang xây dựng và thực thi chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ cói Kim Sơn. Sản phẩm có thương hiệu, được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ thu hút được nhiều đơn hàng. Khi đó không chỉ tạo việc làm cho cho người thợ thủ công mà còn tạo được đầu ra bền vững, ổn định cho nguồn nguyên liệu, tạo cho các hộ nông dân yên tâm trồng cói theo qui hoạch phát triển vùng cói chuyên canh bền vững.
Đồng thời để thúc đẩy nghề chế biến cói phát triển, tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt triển khai dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Đồng Hướng có qui mô 17 ha phục vụ chế biến cói. Điều đó góp phần nâng cao thu nhập cho cả nghề trồng cói và nghề chế biến cói, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong điều kiện Việt Nam vừa mới gia nhập WTO, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ còn nhiều biến động, bất cập xảy ra, còn nhiều thách thức tác động đến nghề trồng, chế biến cói. Nhưng dù thế nào, với những gì đã có qua hàng chục năm, hàng trăm năm, chúng ta có quyền vững tin nghề trồng, chế biến cói ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã, đang và sẽ phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Đỗ Huy Bảng
(Sở KHCN Ninh Bình)