Trường Yên quê tôi vốn có nghề thợ xây (thợ ngõa) đá nổi tiếng. Những hòn đá (loại đá có màu xanh đặc trưng) với đủ hình thù khác nhau dưới đôi bàn tay khéo léo của người thợ trở thành những bức tường vuông vức, vững chắc đến lạ kỳ. Lịch sử phát triển của nghề cũng như tổ nghề đến nay chưa rõ. Nhưng mọi sự hình thành và phát triển của các làng nghề truyền thống đều được lý giải là sự kết hợp giữa một bên là tài khéo léo sẵn có của dân làng với thế đất, vùng đất đặc thù tạo thành những sản phẩm rất riêng, đặc trưng. Trường Yên là xã được bao quanh bởi hàng loạt những núi đá vôi hình vòng cung hùng vĩ. Có lẽ chính đá là cơ sở để hình thành nghề thợ xây đá truyền thống. Người ta cho rằng việc xây dựng kinh đô Hoa Lư xưa chắc chắn có sự đóng góp của những đôi tay tài hoa của người thợ Trường Yên.
Ông Nguyễn Dũng Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nghề thợ xây đã ăn sâu vào máu thịt của người dân trong xã, đến nay đàn ông trong xã hầu như ai cũng làm được. Hiện Trường Yên có đội ngũ thợ xây hùng hậu với khoảng 500 thợ, trong đó có ngót một trăm thợ bậc cao (thợ cả), ngày ngày ăn cơm, dựng nhà cho thiên hạ từ Bắc chí Nam rất có uy tín. Bên cạnh đó còn có hàng chục doanh nghiệp xây dựng có thể nhận thầu các công trình lớn đòi hỏi kỹ thuật khó. Nhiều công trình trùng tu chùa chiền, lăng tẩm, di tích được người thợ Trường Yên thực hiện rất tốt.
Anh Nguyễn Văn Bắc, một chủ thầu chuyên đảm nhiệm việc trùng tu các di tích cho biết: Thợ ở đây rất khéo léo trong việc vẽ, đắp các họa tiết, hoa văn cũng như thông thạo các kỹ thuật xây dựng cổ nên được rất nhiều nơi tín nhiệm. Anh Trần Trung Thịnh, một thanh niên trẻ trong xã tâm sự: "Tôi không được học hành đến nơi đến chốn nên xin việc trong các công ty, doanh nghiệp rất khó, nhà có mấy sào ruộng thì bố mẹ làm là đủ. Thật may là làng có nghề thợ xây truyền thống nên tôi cũng vừa làm vừa học nghề, đang là mùa xây dựng nên mỗi tháng tôi cũng kiếm được 2-3 triệu đồng".
Trước đây, thợ Trường Yên làm thủ công là chính, nay đã có khả năng sắm sửa các phương tiện hành nghề (tổ hợp giáo sắt, cốp pha định hình, máy trộn bê tông, xe vận chuyển...) và các dụng cụ thi công tiên tiến khác. Hình thức hành nghề chủ yếu có từ 5-10 người thợ tập hợp thành một nhóm, trong đó sẽ có 1-2 thợ cả đảm nhận những công việc khó như đọc bản thiết kế, trang trí, đánh mặt bằng, rọi, lấy tim, lấy cốt và hướng dẫn những thợ khác cùng làm. Ngày nay số các hạng mục công trình xây toàn đá rất ít, mà thay vào đó là các vật liệu như gạch đỏ, bê tông, cốt thép… Nhưng điều mà mọi người đều có thể công nhận là đá vẫn là vật liệu xây dựng của nhiều hạng mục công trình và người thợ xây đá giỏi thì chắc chắn cũng là người thợ xây gạch giỏi.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng thì nhu cầu xây dựng ngày càng lớn, nghề thợ xây Trường Yên có khả năng phát triển tốt. Đặc biệt, nếu nghề được gìn giữ và phát huy sẽ giúp xã giải quyết được nhiều vấn đề xã hội bức xúc trong nông thôn hiện nay như: Giải quyết việc làm, giảm các tệ nạn xã hội, phát triển kinh tế. Phương thức truyền nghề phổ biến vẫn là "cha truyền con nối", người nọ dạy người kia. Địa phương cũng chỉ có thể tạo điều kiện thuận lợi để người dân trong làng đi làm ăn xa, không đánh thuế đối với những nhóm, tốp thợ làm việc tại quê hương, khuyến khích thanh niên trong làng học hỏi và theo nghề.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu