Sở dĩ trại sáng tác thu hút được sự quan tâm là bởi vì những điểm khác biệt hay cũng có thể nói là rất mới lạ của nó. Đó là trại sáng tác được mở nhờ ý tưởng của nhóm các họa sỹ trẻ, trong đó có nhiều nghệ sỹ đã từng tạo nên dấu ấn tại nhiều kỳ triển lãm nghệ thuật khác nhau. Tỷ dụ như tác giả Kù Kao Khải nhiều năm liền giành giải nhất triển làm mỹ thuật toàn quốc. Một Trần Thược, tuổi trẻ nhưng sớm gặt hái thành công tại những sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp nhờ bản năng sáng tạo. Điêu khắc gia Khổng Đỗ Tuyền từng ghi dấu bởi Huy chương Bạc triển lãm mỹ thuật toàn quốc (2005), giải C khu vực I của Hội Mỹ thuật Việt Nam (2007-2008), giải A khu vực I của Hội Mỹ thuật Việt Nam (2015). Thái Nhật Minh với giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam (2014); giải nhì Festival mỹ thuật trẻ toàn quốc lần thứ 3 (2011-2014)...
Cũng không phải ngẫu nhiên những gương mặt trong nhóm nghệ sỹ trẻ đương đại lại tụ về làng đá mỹ nghệ Ninh Vân trong khi với "danh phận" của họ có rất nhiều sân chơi nghệ thuật lớn mời gọi. Là bởi vì ngay từ ý tưởng đặt trại sáng tác tại làng đá Ninh Vân đã mang một hàm nghĩa sâu xa. Ninh Vân vốn là một làng nghề truyền thống, nét tài hoa của những thợ đá nơi đây là một điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, hình như từ rất lâu rồi vì những đòi hỏi của thị trường nên các sản phẩm đá phần nhiều thiên về tính chất hàng hóa, sản xuất theo đơn đặt hàng hơn là những sáng tạo thuần chất nghệ thuật. Lẽ dĩ nhiên lớp người trẻ tuổi của chính làng đá được đào tạo chuyên sâu về mỹ thuật đã nhận ra khiếm khuyết đó.
Họ nuôi khát vọng về việc sẽ mở một trại sáng tác nghệ thuật điêu khắc đá ở tại làng nghề đá Ninh Vân. Người thực hiện sứ mệnh đó là Lương Trịnh - một nhà điêu khắc trẻ, mạnh bạo, giàu khát vọng muốn làm một điều gì đó mới mẻ, có ý nghĩa cho quê hương. ý tưởng ấy được Lương Trịnh chia sẻ cùng nhiều "đồng đạo" - những họa sỹ trẻ vốn sẵn trong mình năng lượng sáng tạo, giàu cá tính, luôn khao khát được thể hiện. Điểm khiến họ gặp nhau chính là ý tưởng cùng dùng chất liệu đá để sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Đó cũng chính là lý do Xưởng điêu khắc Lương Gia đã được chọn làm nơi đặt trại sáng tác. Mỗi nghệ sỹ về Ninh Vân đều là một gương mặt với nhiều góc cạnh cá tính sáng tạo.
Điêu khắc gia Thái Nhật Minh, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ: "Tôi đã tham dự khá nhiều trại sáng tác, kể cả các trại sáng tác của quốc tế tổ chức, phần lớn các trại này họ không đặt nặng vấn đề sản phẩm mà chủ yếu tạo cơ hội giao lưu, trao đổi nghệ thuật, nhưng ở trại sáng tác này lại khác, bởi chúng tôi muốn tạo môi trường, không gian để cùng nhau làm việc nên không đặt nặng vấn đề giao lưu. Phần lớn anh em làm theo phong cách nghệ thuật của mình, tuy nhiên điểm mọi người quan tâm là đặc tính kỹ thuật của chất liệu đá, khả năng biểu hiện, ngôn ngữ của chất liệu này. Và mô hình về trại sáng tác này cần được quan tâm một cách nghiêm túc, vì chúng tôi không làm theo kiểu phong trào mà làm với một ý thức lao động nghệ thuật thực sự, với mong muốn cá tính nghệ thuật được thể hiện trong tác phẩm một cách cao nhất. Các sáng tác phần lớn làm theo phong cách đương đại để cho du khách, người chơi đến với làng nghề có cái nhìn mới hơn về một dòng sản phẩm khác những gì vốn đã có của làng đá. Và cách làm này là một mô hình để tham chiếu. Hy vọng trại sáng tác này chỉ là điểm khởi đầu, tạo ra khoảng không cho các ý tưởng sáng tạo khác về sau...".
Xin không bàn nhiều về quan điểm có tính cá nhân của tác giả dự trại, tuy nhiên chỉ riêng mong muốn "để cho du khách, người chơi đến với làng nghề có cái nhìn mới hơn về một dòng sản phẩm khác những gì vốn đã có của làng đá" đã là một sự đóng góp to lớn cho việc gợi ý một hướng đi mới cho làng nghề, như một cách quảng bá hữu hiệu cho thương hiệu đá Ninh Vân. Ngoài ra việc tổ chức trại sáng tác này hoàn toàn bằng hình thức xã hội hóa nhưng vẫn đạt được hiệu quả, tạo được tiếng vang cũng là một gợi ý khác về một mô hình tổ chức các hoạt động nghệ thuật của các nghệ sỹ thời gian tới.
Bài, ảnh: Mai Phương