Sinh năm 1970 tại Yên Phong, Yên Mô, một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo trên đất Cố đô Hoa Lư lịch sử. Gia đình Mai Thủy từ ông, bà, cha, mẹ vốn là những người yêu nghệ thuật.
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, bố, mẹ Mai Thủy đã có mặt trong đội văn nghệ xung kích thanh niên xung phong của tỉnh, đến từng trận địa, phục vụ bộ đội, dân công. Từ nhỏ, những năm tháng tuổi thơ còn ngồi trên ghế nhà trường, Mai Thủy đã mê ca hát, luôn là hạt nhân trong phong trào văn nghệ của lớp, của trường, được thày cô bạn bè trân trọng, hoan nghênh.
Mai Thủy đã lớn lên trong lời ru ngọt đằm của bà, của mẹ với những làn điệu chèo, dân ca sâu lắng, đã tác động mạnh mẽ đến tâm hồn và tình yêu nghệ thuật của cô. Và không ít lần khi nhà hát chèo Trung ương, văn công tỉnh về địa phương biểu diễn, Mai Thủy đã lặn lội đi xem, thả mình trong không gian âm nhạc và ước mơ mai này trở thành văn công, đem tiếng hát của mình phục vụ cho đời, cho người.
Rồi ước mơ và khát khao cháy bỏng đó đã sớm thành hiện thực. Năm 1983, nhân đoàn văn công Ninh Bình về Yên Phong tuyển diễn viên, dù vừa học lớp 7 phổ thông, Mai Thủy đã mạnh dạn tham gia xét tuyển và may mắn đã đến với cô gái mảnh mai nhưng có giọng hát khỏe, vang, trầm, ấm. Mai Thủy đã được tiếp nhận vào đoàn.
Năm 1984, Mai Thủy được cử đi học lớp diễn viên múa rối tại trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh. Sau 2 năm học, Thủy đã tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, được cử về đoàn rối Ninh Bình công tác.
Múa dẻo, hát hay, lại thông minh sáng tạo trong diễn xuất, Mai Thủy đã lọt vào tầm ngắm của đạo diễn Tuấn Khanh, lần lượt được giao vai Alađanh (thời nhỏ) và cả vai công chúa Babudua trong vở diễn Alađanh và cây đèn thần, tiếp đó là công chúa tóc vàng trong vở diễn cùng tên.
Tại Hội diễn sân khấu toàn quốc, vở diễn và nhân vật do Mai Thủy thủ vai đã được tặng Huy chương vàng. Không thể nói hết niềm vui của một nghệ sĩ trẻ khi được nhận giải thưởng cao quý đó và Mai Thủy tiếp tục khẳng định mình trong vai những nàng công chúa Manôla trong vở Hoàng tử Xi Thom, công chúa Quỳnh Nga trong vở diễn Thạch Sanh.
Rồi Mai Thủy lại được điều về Đoàn ca múa nhạc Hà Nam Ninh, tên tuổi của người nghệ sĩ trẻ tiếp tục được lan tỏa, khắc ghi, được công chúng yêu nghệ thuật mến mộ bởi những vai Chim mặt người trong vở "Huyền thoại Đam San", Tịnh Tâm trong vở "Cha con người hát rong". Khi vào vai Tịnh Tâm, một nhân vật có tính cách và số phận, Mai Thủy đã thực sự hóa thân vào nhân vật, tạo được ấn tượng mạnh, giúp cho vở diễn thêm thăng hoa và đạt hiệu quả cao.
Năm 1992, sau ngày tái lập tỉnh, cũng như những nghệ sĩ Ninh Bình, Mai Thủy lại hăm hở trở về theo tiếng gọi quê hương, dưới mái nhà chung là Đoàn văn công Ninh Bình (nay là Nhà hát chèo Ninh Bình) để tiếp tục cống hiến và sáng tạo.
Giọng ca vàng của Mai Thủy thêm trầm ấm, ngọt ngào lan xa qua từng đêm diễn. Dù mới đi qua tuổi 20, nhưng Mai Thủy đã sớm có một phong cách, một tư duy nghệ thuật đáng trân trọng. Mai Thủy tiếp tục tỏa sáng, tiếp tục khẳng định mình trong nhiều vai diễn kể từ ngày về Văn công Ninh Bình (nay là Nhà hát chèo).
Vừa tròn 2 thập kỷ, trong số 10 vở diễn mà Mai Thủy thủ vai, đã 4 lần được tặng thưởng Huy chương vàng, đó là vai Kiều Nhi trong trích đoạn "Thức dậy tình xưa" tại liên hoan trích đoạn tuồng, chèo hay toàn quốc tổ chức tại Ninh Bình. Hồng Ngọc (trong vở Hoa khôi dạy chồng) hội diễn chèo các tỉnh duyên hải phía Bắc tổ chức tại Thái Bình. Vai Xúy Vân trong vở "Kim Nham" ngoài huy chương vàng còn được tặng thưởng danh hiệu diễn viên xuất sắc, bằng khen tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp tổ chức tại Hạ Long- Quảng Ninh. Trong vai A Hoàn vở "Nước mắt vua Đinh" tại hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Hà Nội Mai thủy đã được tặng thưởng Huy chương bạc.
Tính đến nay, nghệ sĩ ưu tú Mai Thủy đã gặt hái được khá nhiều thành công trong sự nghiệp lao động nghệ thuật, mà không phải nghệ sĩ nào cũng đạt được bằng khả năng và niềm đam mê, sáng tạo đầy nhiệt huyết của mình.
Ngoài 5 Huy chương vàng (cả huy chương vàng trong vai Công chúa tóc vàng tại Hội diễn múa rối toàn quốc năm 1990), 1 huy chương bạc, Mai Thủy còn được tặng thưởng nhiều giải thưởng cao quý khác, được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, 2 lần được tặng giải thưởng VHNT Trương Hán Siêu, 3 lần được UBND tỉnh tặng Bằng khen, 2 lần là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, kỷ niệm chương vì sự nghiệp sân khấu, kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa và tại Nhiệm kỳ 2004-2009, Mai Thủy được tín nhiệm thay mặt cho giới VHNT Ninh Bình tham gia HĐND tỉnh.
Với tư duy và năng lực nghệ thuật vững vàng, lại tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, năm 2007 Mai Thủy được bổ nhiệm làm Trưởng phòng tổ chức hành chính, năm 2008 là Phó giám đốc Nhà hát chèo Ninh Bình.
Dù ở vị trí nào là diễn viên, giảng viên hay làm công tác quản lý, vẫn là một Mai Thủy cháy bỏng khát vọng cống hiến, nỗ lực hết mình vì công việc đã giúp cho người nghệ sĩ tài hoa này tiếp tục tỏa sáng trên con đường lao động nghệ thuật.
Được biết từ khi Nhà hát chèo được UBND tỉnh và sở Văn hóa thể thao (nay là sở Văn hóa thể thao- du lịch) cho phép mở lớp đào tạo diễn viên năng khiếu khóa 2005-2007, 2008-2010 và từ năm 2011 đến nay, Mai Thủy là người trực tiếp dạy hát chèo và truyền vai mẫu cho học viên tại Nhà hát.
Lê Liêu