Mai Thủy yêu thích nghệ thuật chèo từ hồi còn nhỏ. Năm học lớp 4, buổi chiều mẹ giao cho Thủy việc băm bèo, nấu cám lợn, ấy thế nhưng khi cái đài bên nhà hàng xóm vang lên nhạc hiệu của chương trình "30 phút dân ca và nhạc cổ truyền" là Thủy bỏ dở công việc chạy sang nghe nhờ. Nhiều hôm nồi cám cháy, mẹ la mắng rồi cấm: "Không được tuồng, chèo gì cả!". Cấm thì cấm vậy nhưng trong lòng người mẹ của Mai Thủy cũng linh cảm rằng con gái bà sau này sẽ đi theo con đường nghệ thuật.
Mai Thủy sinh ra, lớn lên ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô, là mảnh đất có truyền thống về hát dân ca, đặc biệt là hát chèo. Hồi ở nhà, Mai Thủy là hạt nhân tích cực trong phong trào văn nghệ quần chúng và ước mơ luôn cháy bỏng trong Thủy là được trở thành diễn viên hát chèo chuyên nghiệp. 14 tuổi, Mai Thủy trúng tuyển vào Đoàn nghệ thuật Múa rối Hà Nam Ninh. Mơ ước được lên sân khấu, được làm nghệ sĩ, được mang tiếng hát phục vụ công chúng đã trở thành hiện thực. Cảm xúc của Mai Thủy khi ấy không ngôn từ nào có thể diễn tả được, Thủy ôm chầm lấy từng người thân, sung sướng mà nước mắt tuôn trào.
Từ diễn viên quần chúng trở thành diễn viên chuyên nghiệp là cả một chặng đường nghệ thuật đầy cam go và thử thách với Mai Thủy. Muốn thành đạt chỉ có học tập, lao động và hơn thế nữa là lòng say mê nghệ thuật luôn cháy bỏng. Mai Thủy lao vào học. Học thầy, học bạn diễn, học ở sách vở. Giọng hát ngọt ngào, nhí nhảnh của Mai Thủy trong các vở múa rối đã làm các khán giả nhí thích thú và yêu mến.
Khi chuyển về Đoàn Ca múa nhạc Hà Nam Ninh, với Mai Thủy lại là một thử thách lớn. Đang biểu diễn bằng cách điều khiển con rối, diễn viên giấu mặt, nay trực tiếp lên sân khấu đối diện với khán giả, Mai Thủy phải tập luyện, phải nỗ lực và cố gắng hết mình. Được đóng các vai "Chim mặt người" trong vở "Huyền thoại Đam San", "Tịnh Tâm" trong vở "Cha con người hát rong", Mai Thủy hiểu rằng muốn chinh phục được khán giả không chỉ có biểu diễn và hát từ đáy lòng và trái tim người nghệ sĩ, mà còn phải biết lột tả tính cách nhân vật, phải biết thể hiện sự đa dạng của nhân vật, nhờ nỗ lực học hỏi, Mai Thủy đã làm được như thế và đã có ít nhiều thành công.
Nhưng có lẽ khi trở về Nhà hát chèo Ninh Bình mới là lúc Mai Thủy bộc lộ tài năng. Một loạt các vai diễn như vai "Vua Đinh Toàn" (hồi nhỏ) trong vở "Tấm áo bào Hoàng đế"; vai "Hồng Ngọc" trong vở "Hoa khôi dạy chồng"; vai "Nắng" trong vở "Nỗi oan người trở về"; vai "Mây" trong vở "Người mất tích"; vai "Xúy Vân" trong vở "Kim Nham"; vai "Thị Lụa" trong vở "Trương Hán Siêu"… đã tạo nên một phong cách biểu diễn, đưa tên tuổi của Mai Thủy đến với công chúng.
Ở vở nào, vai nào Mai Thủy cũng diễn hết mình, diễn đằm thắm. Trên sân khấu, Mai Thủy đã hóa thân vào nhân vật. Nhiều lúc người xem không thể nhận ra đó là Mai Thủy ở ngoài đời. Vui buồn cùng nhân vật, sống cùng nhân vật. Để diễn được như vậy, mọi suy nghĩ, cử chỉ, hành động đều được Mai Thủy tập luyện kỹ càng.
Sâu sắc nhất, để lại ấn tượng nhất với khán giả cũng như ấn tượng nhất trong đời diễn viên của Mai Thủy là vai diễn Xúy Vân. Suốt ba tháng, mỗi ngày tập ba buổi. Lúc nào nhân vật Xúy Vân cũng "ám ảnh" Mai Thủy. Chị đã hoàn toàn hóa thân vào Xúy Vân để khán giả được xem một Xúy Vân bằng xương, bằng thịt, để rồi khán giả cũng cảm thông, sẻ chia với nhân vật.
Vai Xúy Vân của Mai Thủy đã giành được 3 giải thưởng tại hội diễn: Diễn viên xuất sắc, Huy chương vàng, bằng khen của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Thấm thoát đã hơn 25 năm làm nghệ thuật, trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng Mai Thủy là người có nghị lực, có sự đam mê, có tinh thần trách nhiệm, có chí tiến thủ, nên không những chị đã đứng vững trên sân khấu mà còn gặt hái được nhiều thành công, chị đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 2001.
Hiện nay Mai Thủy đang đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Nhà hát chèo Ninh Bình. Tuy bận công việc quản lý nhưng Mai Thủy vẫn dồn tâm huyết cho sân khấu chèo. Chị đang cùng các đồng chí lãnh đạo Nhà hát hướng dẫn, đào tạo, truyền nghề cho các diễn viên trẻ với sự nhiệt tình, say mê và trách nhiệm của một nghệ sĩ.
Ninh Đức Hậu