An Quang Định thuộc lớp nghệ sĩ đầu tiên đến với Đoàn chèo sông Vân. Trước khi làm nghề diễn, An Quang Định đã làm đủ việc từ kéo phông, nhắc vở, hậu đài, đánh trống rồi chơi đàn tam, tứ, kéo nhị…
Anh diễn rất ngọt, rất hay, cuốn hút người xem bằng cả thủ pháp và tâm hồn, niềm say mê nghệ thuật. Anh thủ vai đủ các giai tầng trong xã hội từ vua quan, tướng lĩnh, ăn mày đến những nhân vật thời hiện đại như chính ủy, bác sỹ, chủ nhiệm HTX rồi đến những vai hề mồi, hề gậy…
Anh đã đi qua hàng trăm vai diễn nhưng không hề có sự lặp lại nhàm chán, bởi anh biết thâm nhập, hóa thân vào nhân vật, khắc họa được nội tâm, tính cách tạo nên một nét riêng vừa đặc trưng, vừa sống động…
An Quang Định còn có một khả năng thiên phú khác. Hầu như khi được đạo diễn giao vai, khi diễn xuất anh đều có những nét riêng sáng tạo, đã giúp cho các nhà chuyên môn nhận ra từ anh có thêm một năng lực khác cần được phát huy, đó là sở trường về đạo diễn.
Những năm đầu thập kỉ 1970 của thế kỉ trước, sau khi tốt nghiệp khóa đạo diễn, anh lại tiếp tục trở lại Đoàn chèo sông Vân. Và cũng bắt đầu từ đây, An Quang Định được giao thử thách và khẳng định mình trên một lĩnh vực mới.
Anh được giao dàn dựng hàng loạt vở và đều đạt tới độ hoàn thiện. Trong đó phải kể đến "Màu xanh" của Kính Dân, "Trong phòng trực chiến" của Tào Mạt, "Cô Son" chèo của Nguyễn Bính, "Câu chuyện đôi ngan", "Ngêu Sò Ốc Hến", "Lọ nước thần" chèo cổ.
Ở rất nhiều vở diễn do anh dàn dựng, đều nhận ra sự sáng tạo, một thủ pháp rất riêng. Anh luôn tránh sự lạm dụng kĩ thuật sân khấu, biết chừng mực trong tiết tấu, mà điểm tựa của anh là sự chân thực để chuyển tải được tư tưởng, tính cách và cốt truyện.
Kể cả những lúc bận rộn phải giành tối đa cho công tác đạo diễn, An Quang Định vẫn có mặt trong nhiều vai diễn. Tập thể nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn chèo sông Vân luôn coi anh là một khuôn mẫu cả về tính cách, phong độ lẫn năng lực nghệ thuật.
An Quang Định đã đi xa, nhưng tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của anh thì mãi còn đó. Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, lớn lên trên một vùng quê vốn là đất của chèo mà ưu bà Phạm Thị Trân đã từng được vua Đinh Tiên Hoàng vinh danh coi đó là bà tổ chèo của cả nước, An Quang Định đã luôn phát huy, giành trọn cuộc đời cho lao động nghệ thuật.
Lê Liêu