Đối với CCB Đỗ Hồng Cẩm, thôn 12 thì những ngày đầu xuân mới thật ý nghĩa, bởi ông lại có dịp sum họp với gia đình, anh em, bạn bè, nhìn lại những thành quả sau một năm miệt mài lao động. Vốn xuất thân từ nhà nông, lại là người lính nên dù đã ngoài 60 tuổi song ông vẫn chưa "về hưu", hàng ngày, vẫn thấy bóng ông thấp thoáng sau vườn đồi từ sáng sớm tới tận tối mịt với bộ quần áo lính ướt đẫm mồ hôi. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Yên Thái, huyện Yên Mô, năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông nhập ngũ tham gia chiến đấu tại mặt trận Thừa Thiên, sau giải phóng miền Nam, ông chuyển đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào và chiến đấu tại biên giới Tây Nam Campuchia. Những năm vào chiến trường, ông bị nhiễm chất độc da cam mà không hề hay biết, đến năm 1980, ông xây dựng gia đình, sinh được ba người con thì người con thứ hai bị dị tật hai chân, đi lại gặp khó khăn. Năm 1992, ông Cẩm nghỉ hưu, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, kinh tế thiếu thốn, thêm vào đó phải chi phí tiền chạy chữa cho người con thứ hai tật nguyền.
Không cam chịu nghèo khó, vợ chồng ông quyết định dời quê hương đi xây dựng vùng kinh tế mới, đến vùng đồi núi đất đá hoang vu, cùng các gia đình khác thành lập nên thôn 12 xã Đông Sơn ngày nay. Với 8 ha đồi núi, ông tìm tòi nghiên cứu loại cây trồng và con nuôi phù hợp với khí hậu và chất đất cũng như cách chăm sóc, nuôi trồng. Ban đầu, ông trồng 4,5 héc ta cây keo lấy gỗ, 1 ha trồng chè xanh, 1 ha cây xả, thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông vay vốn nuôi 12 con bò, 7 con lợn rừng và 12 cặp nhím (sinh sản), cung cấp con giống cho bà con trong làng, xã. Ông Cẩm chính là một trong số người nuôi lợn rừng và nhím đầu tiên ở xã có hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ dân tìm tới mua con giống và học cách nuôi phát triển rộng trong xã. Cách đây 5 năm, nhận thấy nhu cầu thị trường chuộng các loại cây đặc sản, ông chuyển hướng sang trồng 800 gốc bưởi da xanh, bưởi Diễn và bưởi Đoan Hùng, dưới tán cây bưởi ông trồng chè, sả, lá dong… Riêng trong dịp Tết này, gia đình ông xuất bán hàng nghìn quả bưởi các loại cho thương lái thu mua tại nhà với giá cao, doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, là Chi hội trưởng CCB thôn 12, ông Cẩm luôn chú trọng, nắm bắt tư tưởng hội viên, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, xây dựng nông thôn mới, công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc người cao tuổi, công tác khuyến học. Trong xây dựng nông thôn mới, ông tích cực tham gia đóng góp tiền, ngày công xây dựng đường giao thông thôn xóm, riêng gia đình đã góp 37 triệu đồng và thuê nhân công, mua cát, đá làm 450m2 đường bê tông trong thôn, xóm.
Còn đối với CCB Trịnh Văn Đàm thì mùa xuân năm nay có một dấu ấn đặc biệt, là năm đầu HTX CCB do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc được thành lập. Bước đầu, HTX sản xuất tăm hương xuất khẩu và dịch vụ thương mại Đàm Thiếp do Hội CCB quản lý hoạt động có hiệu quả và thu hút được 18 thành viên tham gia, trong đó có 3 hội viên là CCB và 12 hội viên là vợ, con của CCB, thành viên HTX có mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/tháng. Rời quân ngũ năm 1991, năm 1993, ông Đàm tìm đến vùng đất Đông Sơn lập nghiệp. Trải qua bao ngày tháng gian nan, khai khẩn đất hoang, hiện gia đình ông đang sở hữu một trang trại tổng hợp với diện tích trên 30 ha, trong đó có 4 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, còn lại trồng cây sưa đỏ và chăn thả hơn 200 con dê, 50 con hươu và trên 200 gà đặc sản. Tổng thu nhập từ kinh tế trang trại đạt gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Đàm còn vận động các CCB trong xã tham gia thành lập HTX sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề để liên doanh, liên kết giúp đỡ nhau về giống, vốn, kỹ thuật cũng như khâu tiêu thụ sản phẩm. Ngoài sản xuất tăm hương xuất khẩu, các thành viên trong HTX đều phát triển kinh tế trang trại vườn đồi, nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Trong niềm vui đầu năm mới, ông cho chúng tôi biết: Gần 1 năm qua, HTX đưa giống gà đặc sản Đường Lâm vào nuôi thả, đây là giống gà được thị trường ưa chuộng, có thành viên nuôi tới ba, bốn nghìn con. Ngoài ra, một số thành viên còn nuôi dê, trồng rau và các loại quả như cam, bưởi, hồng xiêm... để kịp thời cung cấp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Năm nay, các thành viên CCB của HTX đều đón một cái tết ấm no, đủ đầy với đào phai Đông Sơn, thịt dê, gà Đường Lâm, bánh chưng...những món quà thơm, ngon mang đậm hương sắc quê hương cho ngày Tết cổ truyền thêm nhiều ý nghĩa.
Theo đồng chí Đỗ Xuân Tuấn, Chủ tịch Hội CCB xã Đông Sơn: Hiện nay, toàn Hội CCB xã có 24 gia đình hội viên có mô hình trang trại, gia trại có diện tích từ 1 ha trở lên, có 19 gia đình hội viên kinh doanh đạt thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên; trên 30 đồng chí được công nhận là CCB làm kinh tế giỏi cấp tỉnh, thành phố; 4 hội viên được công nhận là hội viên CCB làm kinh tế giỏi cấp Trung ương. Tiêu biểu như: CCB Đỗ Đức Sáng, Trịnh Văn Tiến, Đỗ Hồng Cẩm, Đoàn Xuân Trường... có mức thu nhập bình quân từ 300-500 triệu đồng/năm. Qua khảo sát, toàn Hội có trên 40% hộ khá, giàu.
Thùy Phương