Gắn bó với nghề báo từ năm 2006 như mối nhân duyên lớn với tôi. Đến nay, trải qua thời gian không dài nhưng cũng không quá ngắn, chứng kiến sự đổi mới đi lên của tờ báo Đảng địa phương tôi thấy tự hào bởi trong đó có phần đóng góp sức lực, trí tuệ nhỏ bé trong sự đổi thay ấy.
Từng học chuyên ngành Xuất bản của Học viện Báo chí-Tuyên truyền, may mắn khi ra trường tôi được tuyển dụng và được phân công làm đúng chuyên ngành tại bộ phận đọc mo-rat ở Phòng Tòa soạn 3 năm. Trong 3 năm ấy, được học hỏi kinh nghiệm từ trình bày báo, đọc sửa mo-rat, cách biên tập bài báo, biên tập tin… từ các anh chị, cô chú tòa soạn tôi đã hiểu hơn về bố cục, đề tài, sự nhạy cảm chính trị trong cách chọn vấn đề tuyên truyền, cách viết câu từ cho phù hợp, chuẩn mực với mỗi nội dung tin, bài tuyên truyền về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, trên Báo Ninh Bình.
Sau 3 năm được trải nghiệm về công việc gián tiếp của cơ quan Báo, đến năm 2010, tôi được Ban Biên tập điều động làm phóng viên tại Phòng Văn xã. Tôi còn nhớ mãi lời nhà báo Nguyễn Kim Toàn, nguyên Tổng Biên tập Báo Ninh Bình trong cuộc gặp gỡ động viên anh em phóng viên, biên tập biên, rằng người làm báo cần giỏi một việc, biết nhiều việc, trong đó làm phóng viên là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cơ quan Báo.
Từ sự động viên ấy nên khi thay đổi công việc từ làm nhiệm vụ gián tiếp sang làm trực tiếp giúp tôi đỡ chống chếnh hơn. ở môi trường làm việc mới, đòi hỏi tôi phải năng động, sáng tạo hơn để bắt kịp nhiệm vụ được giao. Khi dấn thân vào nghề, càng làm càng thấy say mê. Nghề đã cho tôi cơ hội để hiểu mình và hiểu cuộc đời.
Những kỹ năng khi làm nghề đã giúp tôi luôn biết lắng nghe; không ngừng rong ruổi trong những chuyến đi đến nhiều vùng đất xa xôi và tiếp xúc với nhiều mảnh đời; đầu óc luôn phải suy nghĩ, bố trí, sắp xếp công việc sao cho đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Nghề báo tuy vất vả, nhiều gian khổ nhưng cũng mang lại cho tôi niềm hạnh phúc từ hiệu ứng các bài báo được bạn đọc đón nhận nhiệt tình.
Một số kỷ niệm đặc biệt đáng nhớ đó là các bài báo về những người lính đảo quê hương Ninh Bình. Trong khoảng thời gian về nghỉ phép tại các huyện, thành phố, tôi có dịp được gặp và viết về các anh - những chỉ huy, người lính đảo đã gác chuyện riêng tư, việc gia đình để bảo vệ biên giới hải đảo quê hương ở các đảo Trường Sa lớn, đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, đảo Nam Yết…
Các bài viết khá chân thực, thể hiện được trách nhiệm, nhiệt huyết của các anh trong việc giữ gìn biển đảo quê hương, được bạn đọc, người thân lính đảo, chính quyền địa phương đón nhận và có phản hồi tích cực về việc Báo Ninh Bình đã thông tin kịp thời, chính xác, động viên người lính làm nhiệm vụ nơi đảo xa.
Hay các bài viết về những tấm gương thanh niên Công an tỉnh mưu trí, dũng cảm phá nhiều vụ án nguy hiểm; những thanh niên làm giàu; gương học sinh giỏi đạt giải cao tại các kỳ thi quốc gia, quốc tế; sự chuyển mình của các xã vùng cao, vùng khó khăn; công tác chuyển đổi số của xã thông minh Yên Hòa (Yên Mô) - một trong 10 xã đầu tiên toàn quốc; công tác đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế qua gần 10 năm tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT; Bản thân mỗi nhà báo cũng là "nhịp cầu nhân ái" chắp mối các nhà hảo tâm với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các thôn, xóm, phố mà phóng viên đã phát hiện trong quá trình đi "tác nghiệp" và qua bài báo đã mời gọi sự chung tay giúp đỡ của các ngành, đoàn thể, các tổ chức, nhà hảo tâm giúp đỡ những trường hợp bị ung thư có điều kiện chữa bệnh, duy trì cuộc sống, trẻ mồ côi có cơ hội tới trường học tập như bạn bè cùng trang lứa…
Với tôi, nghề báo đã giúp tôi gom nhặt những kỷ niệm thật đẹp về nghề, về hơi thở cuộc sống sinh động, về những người tôi đã gặp, đã viết. Để rồi, mỗi độ tuổi nhất định nhìn lại, đọc lại mỗi bài viết bằng cả nhiệt huyết tuổi trẻ vẫn thấy bồi hồi, xao xuyến, vẫn cảm nhận được "lửa nghề".
Hồng Vân