Theo báo cáo của đơn vị tư vấn việc điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, Đồ án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 tập trung vào 9 nội dung chính: Điều chỉnh, bổ sung mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh dự báo khối lượng chất thải rắn phát sinh đến năm 2030; điều chỉnh, bổ sung phân loại chất thải rắn đầu nguồn, đề xuất lộ trình áp dụng cho tỉnh Ninh Bình tới năm 2030; điều chỉnh về thu gom, vận chuyển rác thải rắn, đề xuất áp dụng mô hình thu gom và xử lý tập trung; điều chỉnh về công nghệ xử lý áp dụng và đề xuất tổng diện tích tối thiểu cần thiết để xây dựng khu xử lý và khu tái chế toàn tỉnh; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn; đề xuất lộ trình sử dụng các khu xử lý được quy hoạch tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050; điều chỉnh quy hoạch các trạm trung chuyển chất thải rắn; đề xuất một số giải pháp thực hiện quy hoạch.
Đồ án nhằm mục tiêu phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn gia tăng, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe con người. Tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn, đẩy mạnh công tác lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn; thúc đẩy phân loại rác thải rắn tại nguồn với phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh chất thải rắn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong quản lý chất thải rắn.
Lựa chọn các loại công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, an toàn và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; phát triển ngành công nghiệp tái chế, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải rắn.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, đồng thời góp ý, làm rõ một số vấn đề liên quan đến địa danh, vị trí, quy mô các khu xử lý cho phù hợp với thực tế.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Thạch khẳng định việc điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 là cần thiết và phù hợp với sự phát triển của tỉnh. Đồng chí cho rằng đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đã cố gắng hoàn thiện Đồ án quy hoạch, phản ánh các nội dung điều chỉnh theo yêu cầu, bám sát vào các tiêu chí theo quy định. Tuy nhiên bản Đồ án vẫn còn những tồn tại liên quan đến việc thu thập dữ liệu, tài liệu đánh giá thực trạng; việc phân tích, dự báo chưa sát thực tế; một số nội dung đề xuất quy hoạch còn chung chung. Đồng thời gợi mở và đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, xem xét đưa tầm nhìn của Đồ án xa hơn đến năm 2050.
Đồng chí cũng yêu cầu đơn vị tư vấn, chủ đầu tư tiếp thu ý kiến các đại biểu, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương đánh giá đúng thực chất các nội dung điều chỉnh và tập trung hoàn thành Đồ án quy hoạch quản lý chất thải rắn trước ngày 1/2/2019, báo cáo UBND tỉnh xem xét.
Hồng Giang - Đức Lam