Tại những tổ có phóng viên Báo Nhân Dân dự, hầu hết các ý kiến phát biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, đồng thời khẳng định dự án Luật đã được chuẩn bị nghiêm túc, từng bước đáp ứng nhu cầu của thực tiễn giáo dục nước ta trong giai đoạn hiện nay. Ðối với những vấn đề cụ thể, các đại biểu còn nhiều ý kiến khác nhau.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm là trong những năm qua, tình trạng mở ra nhiều trường đại học, cao đẳng trong khi chất lượng đào tạo chưa được bảo đảm. Có những trường đại học mở ra nhưng không có các tổ bộ môn, có trường thành lập 12 khoa nhưng chỉ có một giảng viên là giáo sư... Vì vậy, về thành lập nhà trường và thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập trường đại học (Ðiều 50, Ðiều 51), nhiều đại biểu nhất trí với Dự thảo quy định rõ điều kiện thành lập nhà trường và tách quy trình thành lập nhà trường thành hai bước: Quyết định thành lập nhà trường và cho phép hoạt động giáo dục. Ðiều này sẽ góp phần hạn chế hiện tượng thành lập quá nhiều trường đại học trong khi cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên còn thiếu và yếu... Các trường đại học trước khi đi vào hoạt động cần phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và quy định đề ra. Về thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học, một số đại biểu nêu rõ, nên giao cho Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo quyết định trên cơ sở quy hoạch mạng lưới các trường đại học đã được phê duyệt. Tuy nhiên, về vấn đề này, có đại biểu cho rằng, việc quyết định thành lập trường đại học nên giao Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Về công tác kiểm định chất lượng giáo dục, nhiều đại biểu nêu rõ, đây là vấn đề rất quan trọng và dự án Luật đã đề cập tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, việc kiểm định cần phải do một cơ quan độc lập với Bộ Giáo dục và Ðào tạo thực hiện để bảo đảm chất lượng hoạt động. Các thành viên tham gia kiểm định phải là những nhà khoa học, các cán bộ chuyên ngành có kinh nghiệm và năng lực.
Việc biên soạn giáo trình đại học là công việc quan trọng, cần sự đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm, tri thức của các nhà khoa học, giáo sư, thầy, cô giáo. Vì vậy, một số đại biểu cho rằng, Ðiều 41, dự án Luật dự kiến giao cho Hiệu trưởng trường cao đẳng, trường đại học tổ chức biên soạn hoặc tổ chức lựa chọn; duyệt để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức trong trường... là vấn đề cần xem xét, nghiên cứu. Bởi hiện nay, có những trường đại học, nhất là một số trường tư thục, dân lập không đủ năng lực để có thể tự viết giáo trình với tình trạng chất lượng giảng viên chưa đạt yêu cầu. Về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (Ðiều 29), một số đại biểu đề nghị quy định ngay trong Luật những tiêu chuẩn về chương trình giáo dục và sách giáo khoa, nguyên tắc lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa; đồng thời giao cho Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo quy định cụ thể, chặt chẽ quy trình xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa, quy chế tổ chức và hoạt động của bộ phận xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa cũng như của các Hội đồng thẩm định quốc gia. Bên cạnh đó, cần ban hành kèm theo tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự tham gia và chế tài xử lý trách nhiệm, nhất là đối với người đứng đầu khi để xảy ra sai sót, nhằm khắc phục những bất cập, trong đó có tình trạng "quá tải" về nội dung chương trình và nhiều sai sót trong sách giáo khoa.
Một số đại biểu tán thành với việc đưa phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi vào Luật bởi sẽ giúp ích thiết thực cho các em nhỏ, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa trước khi bước vào học lớp 1. Tại điều 38, một số đại biểu đề nghị dự án Luật không nên quá phụ thuộc vào thời gian đào tạo tiến sĩ mà cần chú trọng đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu. Vì vậy, đề nghị quy định bổ sung những yêu cầu chặt chẽ hơn về kết quả nghiên cứu, học tập của nghiên cứu sinh trong điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ để tránh tình trạng luận án kém chất lượng nhưng nghiên cứu sinh vẫn được bảo vệ do đã hết thời hạn.
Ðối với các lớp chuyên, trường chuyên, một số đại biểu đề nghị dự án Luật nên quy định loại hình giáo dục này bởi đang phát triển rất tốt tại các trường từ THPT trở lên, góp phần tạo điều kiện, môi trường để các học sinh có năng khiếu học tập và phát triển. Bên cạnh đó, dự án Luật cần có thêm quy định để giải quyết tình trạng bậc học phổ thông còn quá nhiều môn học, gây tình trạng "quá tải" cho học sinh.
Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại Hội trường dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Ðặng Vũ Minh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông.
Báo cáo cho biết, các điều, khoản của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo các ý kiến đóng góp của các đại biểu QH cũng như chỉnh sửa về văn phong, kỹ thuật văn bản. Dự thảo Luật sau khi chỉnh sửa gồm 10 chương, 63 Ðiều, gộp một số điều, bỏ một điều và bổ sung ba điều mới so với dự thảo trình QH tại kỳ họp thứ 5.
Về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đại biểu Trần Du Lịch ( TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) và một số đại biểu khác cơ bản tán thành như quy định trong dự thảo Luật. Ðồng thời đề nghị cần xem xét toàn diện hơn việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật; cần có những văn bản dưới Luật hướng dẫn các cơ quan chức năng thực hiện, bảo đảm chính xác và đầy đủ. Cần bổ sung các quy định về trách nhiệm pháp lý đối với các bên sử dụng chung cơ sở hạ tầng. Ðối với vấn đề cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông (Ðiều 19), đề nghị cần quy định cụ thể vai trò của Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xử lý cạnh tranh viễn thông. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần làm rõ hơn trách nhiệm quản lý của Nhà nước và trách nhiệm của các doanh nghiệp trong các hoạt động viễn thông, qua đó bảo đảm quyền lợi của người sử dụng các dịch vụ viễn thông.
Ðiều 34 (Giấy phép viễn thông) trong dự thảo Luật nêu rõ: Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép viễn thông. Về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Dung (Ðiện Biên) nêu rõ, không nên giao cho Chính phủ quy định cụ thể, mà cần quy định ngay trong Luật về việc cấp giấy phép hoạt động viễn thông. Ðề nghị Ban Soạn thảo gộp Ðiều 36 và Ðiều 37 thành một điều; đồng thời xem xét lại một số quy định trong Ðiều 37, như: "cam kết không thực hiện hoạt động khác ngoài việc khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến cáp viễn thông" và "cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin và số liệu liên quan đến tuyến cáp quang cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông"... là nghĩa vụ của các doanh nghiệp cung cấp viễn thông phải làm chứ không phải là điều kiện để cấp giấy phép nghiệp vụ viễn thông. Về cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông (Ðiều 19), không nên quy định riêng vì đã có Luật cạnh tranh; trong Luật Viễn thông nên nêu rõ những việc không được thực hiện làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động viễn thông nói chung. Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông (Ðiều 10) nên để Chính phủ quy định.
Về phí quyền hoạt động viễn thông, đại biểu Hứa Chu Khem (Sóc Trăng) và một số đại biểu khác cho rằng, cần xem lại khái niệm thu phí hay thu thuế hoạt động viễn thông và xác định cụ thể hình thức thu cho hợp lý. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần bổ sung vấn đề bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng các dịch vụ viễn thông, đặc biệt là sử dụng điện thoại di động.
Quan tâm đến việc ưu tiên nhân dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa sử dụng các dịch vụ viễn thông, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị Nhà nước cần quan tâm, ban hành những chính sách cụ thể hơn nữa, góp phần giúp người dân nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, có điều kiện sử dụng các dịch vụ viễn thông, như truyền hình và điện thoại.
Theo Nhandan